Bài và hình THANH PHONG
SANTA ANA. Hòa chung niềm vui của toàn thể Phật tử trên thế giới đón mừng kỷ niệm ngày Khánh Đản Đức Phật 2649, chùa Hương Tích, một trong những ngôi chùa xuất hiện đầu tiên tại Quận Cam, Nam California, tọa lạc tại số 4821W.Fifth St, Santa Ana, CA 92703 do Hòa Thượng Phương Trượng Thích Nhật Minh làm Viện Chủ, Ni Sư TS Thích Nữ Minh Từ, trụ trì; vào sáng Chủ Nhật ngày 18 tháng 5, 2025 nhằm ngày 21 tháng Tư âm lịch năm Ất Tỵ, chùa đã long trọng tổ chức đại lễ Khánh Đản 2649, Phật Lịch 2569.
Tham dự đại lễ tại chùa Hương Tích có Sư Bà trưởng lão Viện Chủ chùa Quan Âm, Thượng Tọa Thích Quảng Văn, một số chư Tăng, Ni đến từ các chùa và tự viện trong vùng. Quan khách có ông Tạ Đức Trí, Dân Biểu tiểu bang California và cô Phụ tá Tú Phạm cùng các nam nữ Phật tử và cơ quan truyền thông.

Chương trình bắt đầu lúc 10 giờ 15 với bài thuyết pháp của Thượng tọa Thích Quảng Văn về ngày Phật Đản và ý nghĩa Lễ Tắm Phật. Trước tiên, Thượng Tọa mời mọi người chắp tay niệm Phật cầu gia bị. Sau đó, Thượng tọa ngưỡng bái bạch chư tôn đức Tăng, Ni và nói “Hôm nay tất cả những người con Phật khắp năm châu bốn bể, tại Việt Nam cũng như hải ngoại, nhất là tại Hoa Kỳnhớ đến ngày thiêng liêng nhất, quan trọng nhất của Phật giáo, đó là ngày Đức Phật thị hiện giữa trần gian, gọi đơn giản là ngày Đức Phật Đản Sinh. Đức Phật sinh ra như thế nào? Thượng Tọa nói nhiều chi tiết, chúng tôi xin ghi những đoạn quan trọng nhất “ Chúng ta được sinh ra là do “ nghiệp lực chi phối” còn Đức Phật và các Bồ Tát, Thánh hiền sinh ra là do “hạnh nguyện độ sinh”. Đức Phật của chúng ta là một vị Bồ Tát hộ minh, từ nơi cung trời Đâu Xuất, Ngài chỉ còn một kiếp tu thành Phật nữa, một kiếp tu hành nữa để trở thành Chánh Đẳng, Chánh Giác; Đức Phật Ngài thị hiện giữa cuộc đời do “hạnh nguyện”nên các Ngài có quyền chọn nơi mình sinh ra, và ngài có quyền chọn lựa người cha của mình, người mẹ của mình để tái sinh vào bào thai để trở thành một bậc vĩ nhân cứu độ thì đối với người phàm mắt thịt của mình tất nhiên là không làm được, nên Thái Tử Tất Đạt Đa có quyền chọn Hoàng Hậu Mada làm mẹ, vua Tịnh Phạn làm cha tại đất nước xứ Thành Ca Tỳ La Vệ, xứ Ấn Độ. Một hôm thánh Mada nằm mộng ngài thấy được một con voi trắng sáu ngà với một đóa sen bằng cỡ voi bạch tượng chui vào hông phải của Hoàng Hậu Mada, đất nước Ca Tỳ La Vệ nhất là vua Tịnh Phạn và Hoàng Hậu Mada trăn trở để làm sao có được một Thái Tử để nối nghiệp hoàng cung, trị vì đất nước, sự chờ đợi mãi vẫn không thấy nhưng đến một lúc nào đó Bồ Tát Hộ Minh từ cung trời Đâu Xuất giáng phàm qua hình tượng chú voi trắng bạch tượng với cành hoa sen chui vào hông phải của Hoàng Hậu Mada, Sáng ra, Hoàng hậu mada đem cái tin lành này báo cho vua cha, và vua cha lúc đó tìm những vị tiên tri giỏi ở trong thành, ông A Tư Đà là người phỏng đoán là Hoàng Hậu Mada đã mang “thánh thai” tức là Hoàng Hậu Mada là mẹ của bậc thánh nên gọi là thánh Mada, mộng ước điềm lành. Vua Tịnh Phạn sẽ sinh con thảo, tức là một bậc thánh xuất thế để cứu độ chúng sinh. Theo tục lệ của người Ấn Độ, khi chuẩn bị đến ngày lâm bồn sinh con thì phải trở về quê ngoại gần mẹ để mẹ chăm sóc, nên đến ngày lâm bồn, Hoàng hậu Mada cùng đoàn tùy tùng đi xe ngựa trở về quê ngoại đề sinh con. Trên đường đi Hoàng hậu Mada nghe biết có một cái vườn Lâm Tỳ Ni hoa Ưu Đàm ngàn năm mới nở một lần, thế thì nghỉ ngơi ngài mới dừng chân và đi dạo một vòng trong vườn Lâm Tỳ Ni , khi tới một cây hoa Vô Ưu, Hoàng hậu Mada liền đưa tay phải lên để thấy mùi thơm của hoa Ưu Đàm, ngài đưa cánh tay lên chuẩn bị hái đóa hoa đó thì Thái Tử Tất Đạt Đa ngài liền thị hiện đản sanh từ bên hông phải của Hoàng Hậu Mada và liền đi bảy bước và bước thứ bảy Ngài dừng lại, và tay phải Ngài chỉ trời, tay trái chỉ đất và tuyên bố “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”, tức là trên trời dưới đất chỉ có Ta là bậc tôn qúy, ta xuất hiện trên cuộc đời này để cứu độ chúng sinh thoát cảnh sanh tử luân hồi…..”

Về ý nghĩa Tắm Phật, Thượng Tọa nói: “Mình có phước báu là được sinh ra làm con người, có phước báu vì có được nhà cửa, tài sản, con cái v.v..nhưng mình có biết chia sẻ cái phước báu đó hay không mới là quan trọng, có tài có của nhưng không biết chia sẻ là thiếu đi cái “Đức”, nên thường mình đi chùa cầu tài, cầu lộc, cầu phúc, cầu bình an , cầu sức khỏe, cầu sự hạnh phúc, cầu địa vị, học giỏi nhưng mình quên cầu cái đức cho mình “Có đức mặc sức mà ăn”. Chính cái Đức mới sinh ra cái Phúc. Còn khi mình múc nước tắm Phật tức là mình tắm cho mình, mình gội rửa những ô uế, những ham muốn nhục dục trong con người của mình chứ không phải mình tắm cho Đức Phật, vì mình không có một cái năng lực gì để mình tắm cho Phật được, bởi vì bản tánh của Đức Phật là đã thanh tịnh rồi, đã bất diệt rồi, đã sạch sẽ rồi, mình là người nhiễm ô uế , mình làm sao có thể tắm cho Phật?, nhưng mình tắm Phật là để nhìn hình ảnh Đức Phật hiện hữu ở trước mặt mình, để khơi dậy hình ảnh Đức Phật ở trong tâm của mình. Gáo nước thứ nhất mình nguyện làm các việc lành, gáo nước thứ hai mình thề bỏ tất cả các điều xấu và gáo nước thứ ba là mình nguyện độ cho tất cả chúng sinh qua hình ảnh Đức Phật mà mình đã thể hiện cái tâm Phật của mình….
Sau bài thuyết pháp, Ni Sư trụ trì cảm tạ Thượng Tọa đã ban cho đại chúng một bài giảng pháp nhiều ý nghĩa, giúp các Phật tử hiểu thêm về sự ra đời của Đức Phật cũng như về ý nghĩa Lễ Tắm Phật. Sau đó, Ni Sư trụ trì mời Hòa Thượng Viện Chủ ban đạo từ. Mở đầu, Hòa Thượng nói: “Kính bạch chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Tăng, Ni, Kính thưa toàn thể qúy Phật tử và đồng hương,
Mùa Khánh Đản 2649 một lần nữa lại trở về với nhân loại, gợi lại cho chúng ta hình ảnh một vị toàn năng trong tỉnh thức mà chính ngài đã đưa con người đến sự an vui hạnh phúc mà chân lý tứ diệu đế và bát chánh đạo làm nền tảng. Kính thưa quý vị, Trong nền văn minh hiện nay khoa học học kỹ thuật AI của thế kỷ 21 đã phát triển một cách nhanh chóng và tư tưởng tâm linh cũng phát triển theo. Con người hầu như không còn dựa vào sức mạnh của thần linh như: Thần Sấm, Thần Sét, Thần Thái Dương v.v..Chính con người ý thức được các việc do chính chúng ta tạo tác và gánh hậu quả. Dưới góc nhìn của các nhà khoa học nhân văn, Đức Phật được xem như một thiện tri thức. Đức Phật không dạy chúng ta ngồi yên rồi kêu tên Ngài đến trăm ngàn lần hy vọng được ân sủng, dẫn dắt chúng ta vào một thế giới bình an. Hơn nữa Ngài cũng không yêu cầu chúng ta thuộc kinh hay niệm tha thiết những câu thần chú. Ngài khuyên con người thực hành hạnh yêu thương, tánh bao dung, lòng độ lượng, từ bỏ tham ái sân hận và si mê, chúng ta sẽ có cuộc sống an vui. Đức Phật luôn khẳng định: “Ta không phải là đấng sáng tạo hay thần linh. Tất cả giáo pháp ta nói ra đều có sẵn trong vũ trụ này. Mặc dù qua 26 thế kỷ, lời nói của Ngài hầu như lúc nào cũng âm vang trong tâm của mỗi người như người có tâm Phật sẽ thành Phật, người có tâm ác độc sẽ thành ma quỷ. Trong kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy “Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nếu nói hoặc làm với tâm ô nhiễm sự khổ sẽ theo nghiệp dẫn đến như bánh xe lăn theo chân con vật kéo”.
Trong đạo từ, Hòa Thượng Viện Chủ cũng nhắc đến nhà vật lý, lý thuyết gốc Đức phát biểu rằng “nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại AI, Tesla thì đó là Phật Giáo”. Từ lời phát biểu đó, Hòa Thượng Phương Trượng Thích Nhật Minh nói tiếp” Thật vậy, xuyên qua các kinh điển đã đọc, không một lời thô nào được thốt ra từ miệng Phật khi bị mắng nhiếc bởi kẻ đối nghịch hay trước sự chỉ trích của đạo, Ngài dùng lời từ tốn khuyên nhủ, đối đáp và lý luận Minh Triết để cho người đó quay về đạo lý, quay về đạo Pháp. Thầy khẳng định “Chỉ có trí tuệ và lòng từ mẫn mới xó bỏ được hận thù mà thôi”, và Thầy khuyên Phật tử “Hãy lấy tình thương phủ trên sắt thép” . Giáo lý của Đức Phật chỉ mang đến cho con người có tư duy hiểu biết giải quyết những nỗi khổ bằng sự nỗ lực tinh thần quay về chính mình để tìm nguyên nhân tạo ra đau khổ, và tự mình xoay chuyển nghiệp lực để được an vui và hạnh phúc. Những lời dạy của Đức Phật nhằm chuyển hóa nội tâm con người bằng sự nỗ lực chiến thắng của chính mình, chúng ta hãy tự thắp đuốc lên mà đi, hãy tìm hải đảo cho chính mình bằng chính kiến , chính tư duy giữa cuộc sống văn minh với kỹ thuật số ảo trong thế giới hiện đại này. Cuối đạo từ, Hòa Thượng kính chúc chư tôn đức Tăng, Ni và toàn thể Phật tử đồng hương một mùa Khánh Đản 2649 tràn đầy hạnh phúc, được nhiều an lành trong năng lượng của đất trời.”Sau đạo từ,Thượng tọa Thích Quảng Văn mời Dân Biểu Trí Tạ có lời phát biểu. Ông Trí Tạ dẫn chứng nhiều điều trong kinh Phật, trong Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo để ca ngợi Đức Phật và giáo lý của Ngài. Những năm gần đây, mỗi lần chùa Hương Tích tổ chức lễ Phật Đản hay lễ Vu Lan, Dân Biểu Tạ Đức Trí đều đến tham dự.
Sau các lời phát biểu, phần chính lễ là nghi thức Khánh Đản, chư tôn đức Tăng, Ni ra trước bàn thờ, thắp hương vái lạy và tụng kinh Khánh Đản, mừng ngày Đản Sinh của Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni ; các Phật tử đồng quỳ gối tụng kinh theo. Tíếng cầu kinh, niệm Phật hòa trong tiếng chuông, mõ quyện vào làn khói hương dâng lên Đức Phật trong lời nguyện cầu cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Đại lễ hoàn mãn vào lúc 12 giờ 30 sau lời cám ơn của Ni Sư TS Thích Nữ Minh Từ và các Phật tử tham dự nhận quà lưu niệm của chùa Hương Tích, sau đó ra phía ngoài dùng món Phở chay rất ngon do chùa khoản đãi trước khi ra về. Cần liên lạc với chùa Hương Tích xin gọi ĐT: (714) 554-7837 hoặc (714)467-6582./.