Tôi không có tham vọng sẽ viết được hết về ba tôi, tôi chắc chắn không có đứa con nào có thể viết hết được về tình yêu của cha mẹ dành cho mình.
Cái cách người đàn ông đó, lặng lẽ đi qua cuộc sống, vật lộn với nó, vắt kiệt mình cho công việc và để nuôi lớn một đàn con cháu, thật lạ lùng và kỳ diệu. Cái quá khứ âu yếm mà lặng lẽ của ba tôi, cuối cùng chỉ còn là những mảng ký ức. Những mảng ký ức, thao thức, tươi rói, nhoi nhói, đập mãi, như quả tim thứ hai. Trong lòng của mỗi đứa con.
Ở trong tôi, quá khứ đập như trái tim thứ hai. Ký ức nằm sâu trong phần não phía sau gáy, mỗi ngày lại thêm cuồn cuộn chảy về.
28 ngày sau khi ba tôi ra đi, mẹ tôi mơ thấy ba tôi, một buổi trưa, chỉ là giấc mơ ngắn vào buổi trưa thôi, mà mẹ tôi mừng vui hết mấy tuần và đi đâu, gặp ai, cũng khoe đã mơ thấy ba tôi vào buổi trưa.
“Mơ thấy ba vào buổi trưa là ba đã siêu thoát lên niết bàn rồi,” mẹ tôi giải thích như thế, bằng niềm tin tưởng chắc nịch và thanh thản.
Tôi cũng tin như thế, dù ba không hiện về trong giấc mơ nào của tôi, mặc cho tôi mong mỏi đến thế nào.
Có đêm, tôi chỉ mơ hồ nghe tiếng ba tôi gọi, đúng là giọng của ba, nhẹ nhàng, nhưng có chút nghiêm trang: “Mai.”
Thế rồi thôi. Thế rồi tôi tỉnh dậy. Và tôi tin mình không mơ. Có thể ba tôi gọi tôi dậy đi làm cho đúng giờ, hay là như ngày xưa, thức sớm để học bài thi, có khi là đục thêm chồng bì thơ.
Ba tôi lúc sinh thời luôn là người ít nói, càng về sau này lại càng im lặng. Chỉ lúc nằm trong khu D, khu dịch vụ, lúc ba tôi còn chưa phải cắm ống thở vào trong khí quản, ba tôi lại nói rất nhiều. Nói nhiều, đùa giỡn nhiều, gấp hơn nhiều lần những năm sau này. Những năm ba tôi im lặng, mà bác sĩ giải thích, trầm cảm cũng là một triệu chứng của bệnh thận.
Nhưng giờ đây, trong dòng chảy ầm ì của ký ức, tôi từ từ nhớ lại, chưa bao giờ ba tôi là người đàn ông xởi lởi, bặt thiệp. Hình ảnh của ba tôi lúc nào cũng lặng lẽ như thế. Hình ảnh đó khắc sâu vào tôi cho đến nổi, tôi luôn tin rằng, những người thật sự đàn ông là những người lặng lẻ, nói ít và làm nhiều.
Đó là hình ảnh của đêm khuya, bao giờ cũng là nửa đêm, rất khuya, khi tôi giật mình thức dậy, ba tôi ngồi nghiêng người bên chiếc tủ đồng hồ, chiếc kính lúp gọng tròn đeo dính sát vào một bên mắt, ba tôi vẽ mặt số đồng hồ, cái nghề lạ lùng, sau này tôi ít thấy ai theo ngoài ba tôi, ba tôi vẽ những con số li ti ấy tinh xảo như được in từ máy móc công phu. Có nhiều những chiếc đồng hồ Seiko 5 dân Saigon đeo ngày xưa kia đã được ba tôi vẽ tay, tôi dám chắc. Những người quen làm việc giữa đêm khuya thường phải trầm lặng, giờ thì tôi hiểu, do đã đồng điệu với cái im lặng của màn đêm.
Sau này khi nhà trồng nấm, ba tôi vẫn thức khuya như vậy. Ba tôi canh nấm nở để hái. Ngoài việc nấm rơm thường nở xòe hết mũ nấm về sáng và mất hết dưỡng chất và tinh chất nấm ngọt ngào, thì nầm búp được dân lái mua chuộng hơn, tôi còn nghĩ, ba tôi thức nhìn lũ nấm con lách tách nở trong đêm vì đam mê. Tôi dám chắc trong im lặng của đêm gần về sáng, ba tôi nhìn lũ nấm lau chau cất đầu lên khỏi mặt rơm tỏa mùi meo mốc, cũng âu yếm như cái cách ba tôi ngắm đàn con sáu đứa lăn lóc ngủ thỏa thuê trên ba chiếc giường tầng.
Thời kỳ nhà tôi trở thành xưởng in thủ công và làm bì thư, thiệp cưới. Ba tôi lại càng phải thức khuya hơn mọi người. Ba tôi âm thầm xã giấy cuộn bằng máy cắt lớn thành những chồng giấy khổ vừa và nhỏ cho mẹ tôi đục góc sáng mai và lũ nhỏ chúng tôi dán lại thành phong bì thư sau khi đã tan lớp học về.
Thời gian ấy, nhà tôi rất đông người, ba tôi mang con cháu ở quê về nuôi phụ làm nghề và cho đi học. Tôi không thể nhớ hết những người cháu họ và anh em họ từ quê vào đã được ba tôi nuôi trong thời gian đó. Chỉ trong đám tang của ba tôi, khi tất cả cùng về viếng ba tôi và ngồi nhắc lại thời kỳ gian khó đó, với đầy lòng trân trọng, biết ơn, tôi mới hiểu ba tôi đã lặng lẻ cưu mang và bảo bọc rất nhiều người, mà phần đông hiện giờ đều nên người, trưởng thành, khá giả.
Cái cách người đàn ông đó, lặng lẽ đi qua cuộc sống, vật lộn với nó, vắt kiệt mình cho công việc và để nuôi lớn một đàn con cháu, thật lạ lùng và kỳ diệu.
Tôi còn nhớ những chiều sáu anh chị em ngồi ngong ngóng chờ ba tôi đi làm về, thường khi có chút tiền hàng thu được, ba tôi sẽ mua lúc ổ bánh mì Lan Huệ ở chợ Hòa Hưng. Lúc đó, bánh mì Lan Huệ ngon nức tiếng, một ổ bánh mì chia ra làm sáu khúc, khúc nào cũng ngậy mùi ba tê gan heo và bơ đánh sốt trứng thơm lừng. Chúng tôi dành nhau ăn đến mẫu vụn bánh cuối cùng, ít đứa nào để tâm xem ba mẹ có ăn chung không. Nếu nhiều tiền hơn, ba tôi sẽ mua bánh mì nhét thịt chim cút quay giòn kèm rau răm ở bên hông nhà hàng Thanh Thế, chợ Tạ Thu Thâu.
Tôi còn nhớ mãi mùi thơm ngậy và giòn tan của chim cút, tôi tin là chẳng bao giờ có thứ gì ngon hơn khúc bánh mì có dính chút thịt lưng hay đùi chim cút nhỏ tí nhét không hết kẻ răng đó.
Trong trái tim của ký ức, còn sót lại đôi mắt thương xót của ba tôi với lũ con nhà nghèo lúc nào cũng hau háu chuyện ăn và đói ăn.
Cuộc đời ba tôi, trải dài suốt 80 năm, im lặng cho đi rất nhiều, nhận lại không được bao nhiêu mà chưa bao giờ đòi hỏi được nhận lại, tôi không có tham vọng sẽ viết được hết về ba tôi, tôi chắc chắn không có đứa con nào có thể viết hết được về tình yêu của cha mẹ dành cho mình.
Cái quá khứ âu yếm mà lặng lẽ của ba tôi, cuối cùng chỉ còn là những mảng ký ức.
Những mảng ký ức, thao thức, tươi rói, nhoi nhói, đập mãi, như quả tim thứ hai, trong lòng của mỗi đứa con.