Con Đường Sống Mới Của Báo Chí

Vi Anh

Cả hai năm rồi,  ngày 9 tháng 5, 2022 Tòa Bạch Ốc thông báo chánh quyền Mỹ đang chuyển sang hạ giá Internet tốc độ cao cho hàng triệu gia đình ở Mỹ. 20 công ty internet đã đồng ý cung cấp dịch vụ giảm giá cho các gia đình có thu nhập thấp.Với cam kết này, internet tốc độ cao đạt 100 Mbps sẽ có giá không quá 30 đô la một tháng và 75 đô la một tháng ở các khu vực bộ lạc, không tính phí bổ sung và không giới hạn dữ liệu.

Tin đáng chú ý trước đây, báo Washington Post, tờ báo gối đầu giường của nhiều chánh trị gia Mỹ, tờ báo lớn cuối cùng tại Mỹ sẽ thu lệ phí người đọc trên mạng vào đầu năm 2013. Như vậy tại Mỹ, một nước có một nền báo chí phong phú, đa nguyên, đa dạng nhứt hoàn cầu, quê hương của Computer và Internet, hiện tại có hơn 300 nhựt báo đã sử dụng hệ thống thu tiền lệ phí nơi người đọc báo dưới nhiều hình thức, “paywall”, và chỉ cho đọc miển phí một số  bài vở, thông tin, nghị luận mà thôi. Và đến đầu năm 2014, theo công ty nghiên cứu Outsell dự đoán, con số đó sẽ tăng lên ít nhứt 400 tờ người đọc sẽ phải trả lệ phí. Có thể nói đây là phong trào báo Mỹ tìm về sinh lộ mới trong thời đại Tin Học, báo chí phải thích nghi, đột biến để sinh tồn, nếu không sẽ bị đào thải.

Dĩ nhiên trước một thay đổi lớn của một ngành quan trọng mà nhiều gọi là đệ tứ quyền trong chánh quyền dân chủ, ắt phải có ý kiến chống binh. Chủ báo ủng hộ hết mình. Đại công ty McClatchy sở hữu nhiều tờ báo lớn toàn quốc Mỹ đã bắt đầu thu tiền trên các nhật báo của công ty. Còn công ty Gannett, chủ nhiều tờ báo địa phương cũng thu lệ phí trên báo của mình. Chỉ trừ tờ báo lớn nhất, phát hành toàn quốc của công ty là tờ USA Today khi ấy, thì Gannet chưa thu.

Còn đại tỷ phú Warren Buffett, chủ của công ty đầu tư Berkshire Hathaway có nhiều phần hùn trong nhiều tờ báo, cho rằng thu tiền đọc báo trên mạng là chìa khóa để ngành báo chí có doanh thu. Ông Buffett cho rằng, mô hình tin tức miễn phí sẽ “không bền”.

Hệ thống thu tiền lệ phí của người đọc qua cơ chế ‘paywall” này thích hợp nhất với các báo có nội dung có nhiều bài chuyên môn sâu sắc và thông tin nghi luận rộng khắp hoàn cầu như Wall Street Journal, Financial Times và New York Times

Nhưng ý kiến của người làm báo chuyên nghiệp (biên tập, quản trị, phát hành làm việc trực tiếp, hàng ngày, hàng giờ sát tờ báo, ăn lương cố định) thì kẻ chống người binh. Có người nghĩ paywall không phải là giải pháp áp dụng được trên toàn cầu và thậm chí có thể gây tác dụng ngược. Nhà báo  Alan Mutter, cựu chủ bút của các tờ Chicago và San Francisco, nay làm chuyên gia tư vấn truyền thông nói “việc đó không giải quyết được vấn đề”. Ông giải thích tính về doanh thu, tờ báo mất 13 đôla ở bản in thì mới thu được 1 đôla ở bản trực tuyến. “Paywall loại bỏ người đọc, và điều này về mặt chiến lược là không tốt bởi chúng ta đang cần có thêm độc giả”.

Trái với Mutter, nhà báo khác như Dean Starkman của tạp chí Columbia Journalism Review, cho rằng Washington Post sử dụng paywall “là bước đi rất tốt mà đáng lẽ nên làm từ lâu”.

Nhà phân tích báo chí Ken Doctor thuộc công ty nghiên cứu Outsell, nhận xét mô hình paywall đang thành công, và dự đoán có ít nhất 400 đầu báo Mỹ sẽ dựng các hàng rào về nội dung vào cuối năm 2013. “Đây là thay đổi tích cực nhất về mặt kinh tế trong ngành báo chí trong 5 năm qua”, Doctor bình luận và thêm rằng nhiều công ty ở châu Âu và Á cũng đang sử dụng chiến lược tương tự.

Tranh luận thì cứ tranh luận, nhưng thực tế cho thấy thu tiền lệ phí nơi người đọc là tìm về sinh lộ cho báo chí Mỹ nói riêng và Âu Á nói chung. Báo chí các nước tự do tự lực cánh sinh là chánh, sống nhờ tiền mua báo của đọc giả và quảng cáo của khách hàng – chớ không có tài trợ của ngân sách quốc gia hay đảng phái như xứ Cộng sản hay độc tài.

Thiếu nguồn sống đó thì báo phải chết. Có ông chủ báo nào bỏ tiền ra đầu tư mà không nghĩ tới tiền lời đâu. Mới đây tờ báo lâu đời 175 năm tuổi (thành lập vào năm 1837),  nhựt báo Times-Picayune ở New Orleans, từng được giải thưởng Pulitzer và nhiều giải khác, phải giảm chỉ còn ra ba số báo một tuần thôi, khiến thành phố lớn nhất tiểu bang Louisiana đột nhiên trở thành một nơi không có nhật báo hàng ngày nữa.

Không phải chỉ có nhật báo giấy Times-Picayune ở New Orleans đầu hàng Internet làm việc này, mà  ba tờ nhựt báo giấy của công ty Advance Publications là The Huntsville Times, Mobile Press-Register và Birmingham News Times ở tiểu bang Alabama, cũng  giảm số báo ngày, chỉ ra báo giấy một tuần ba ngày thôi. Công ty này cho biết lý do chánh của việc cắt giảm số lần phát hành báo in xuống còn 3 ngày, là  bốn nhựt báo của công ty đã phải hứng chịu hòan cảnh thiệt hại do càng ngày các độc giả càng lên Internet  đọc tin tức càng nhiều và các báo phải giảm ngày ra báo tập trung làm báo điện tử.

Ba tờ nhựt báo lâu đời, qui cũ của Mỹ như vậy mà phải thay đổi  vì và do thời đại mới, thời đại của khoa học kỹ thuật cao tin học, dùng kỹ thuật số để làm báo như vậy. Huống hồ gì báo chí giấy bằng  tiếng Việt ở Mỹ mới có mặt trên khoảng 40 mấy năm trên mãnh đất quê hương của Internet, cái nôi của computers là nước Mỹ này. Thời đại mới, kỹ thuật mới, con người mới, thì nghề báo cũng phải đổi mới, người làm báo cũng phải đổi mới, và độc giả cũng phải đổi mới.

Định luật của sự sống, không biến đổi là bị đào thải thôi. Truyền thông đại chúng – phát thanh, phát hình, báo chí nói chung – đều gặp vô vàn khó khăn do thời đại gây ra. Nhiều bàn tay đang trói chặc truyền thông. Độc giả báo ngày càng bớt. Quảng cáo là nguồn lợi lớn nhứt cho đời sống vật chất của truyền thông cũng giảm trên báo giấy vì trên truyền hình kỹ thuật số ở điạ phương hạ giá, quá rẻ.

Báo chí cũng đang thích nghi để sinh tồn, sữ dụng Internet để phát triễn thay vì để cho Internet đào thải. Hầu hết các báo giấy lớn ở Tây Âu, Bắc Mỹ, Úc châu bây giờ kể cả báo tiêng Việt ở Mỹ đều có điện tử hóa tờ báo giấy của mình. Hầu hết việc làm báo, làm tin, viết nghị luận, gởi bài vở, hình ảnh, lên khuông, gởi nhà in  bây giờ làm bằng kỹ thuật số, qua Internet. Rất đỡ tốn hơn xưa. Từ một tờ báo gởi đi in ra giấy đến việc chuyển lên Internet làm thành tờ báo điện tử hầu như chẳng tốn kém gì.

Hầu hết báo giấy bây giờ đều có hình thức điện tử trên Internet. Báo có mở blog, mở web, mở mục kiếm bào, tài liệu ngay trên web của báo, được chuyển khắp hoàn cầu trên xa lộ thông tin Internet.  Để mở rộng độc giả, thu thêm quảng cáo, và tiền mua bài có tính tòan cầu. Có nhiều thông tin, nghị luận độc giả báo điện tử phải ghi danh, trả lệ phí như mua bài mới mở ra đọc được. Báo điện tử cũng có một kỹ thuật quảng cáo rất thành công, thu hút rất nhiều chủ hàng  quảng cáo và bắt người đọc phải xem quảng cáo rồi mới vào đọc thông tin, nghị luận được. Thương mại bây giờ có tính tòan cầu với WTO. Buôn bán trên mạng bây giờ rất phổ thông, tiện lợi,và phát triễn nhanh. Xem, chọn hàng, trả giá mua trên mạng, trả tiền trên mạng, hàng gới tới tận nhà, quá tiện và nhanh, khỏi đến tiệm buôn bán, mất thì giờ. Nên quảng cáo trên báo điện tử cũng rất cần và nhiều.

Báo chí tự do đang  và có nhiều dấu chỉ cho thấy đã tìm ra sinh lộ trên Internet, xa lộ thông tin toàn cầu, trong thời đại Tin Học, trái đất trở thành xóm nhà, các nước những láng giềng trên không gian ão nhưng đang trở thành hiện thực./. ( Vi Anh)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *