Việt – Nhật nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Kishida thông báo Việt Nam – Nhật Bản nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Fumio Kishida hôm nay hội đàm và phát biểu báo chí chung tại Phủ Thủ tướng Nhật Bản. Hai lãnh đạo ra Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam – Nhật Bản lên “Đối tác chiến lược toàn diện vì Hòa bình và Thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”, qua đó khẳng định mong muốn cùng thúc đẩy quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực lên tầm cao mới và mở rộng sang những lĩnh vực hợp tác mới.

“Đây là sự kiện quan trọng, mở ra chương mới trong quan hệ Việt Nam – Nhật Bản phát triển thực chất, toàn diện, hiệu quả, gắn kết chặt chẽ, đáp ứng lợi ích của hai bên, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới”, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu với báo chí sau hội đàm.

Trong Tuyên bố chung, hai lãnh đạo đánh giá kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973, đặc biệt là từ khi hai nước nâng cấp thành Đối tác Chiến lược Sâu rộng vì Hòa bình và Thịnh vượng ở châu Á vào năm 2014, quan hệ Việt Nam – Nhật Bản đã có sự phát triển ấn tượng, mạnh mẽ và toàn diện.

Thủ tướng Kishida khẳng định Nhật Bản cam kết ủng hộ một Việt Nam “mạnh, độc lập, tự chủ, thực hiện công nghiệp hóa và hiện đại hóa thành công”, cũng như tầm quan trọng của Việt Nam trong triển khai chính sách đối ngoại của Nhật Bản ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và đánh giá cao những đóng góp tích cực và xây dựng của Việt Nam đối với các vấn đề quốc tế và khu vực.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho hay Việt Nam luôn coi Nhật Bản là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu và lâu dài, mong muốn Nhật Bản tiếp tục phát huy vai trò quan trọng hàng đầu trong duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Hai lãnh đạo nhất trí về những lĩnh vực hợp tác sẽ được tăng cường giữa hai nước trong thời gian tới, nhằm đóng góp vào hòa bình và thịnh vượng không chỉ cho đất nước và nhân dân hai nước, mà còn của khu vực châu Á và trên thế giới.

Trong lĩnh vực đối thoại và tiếp xúc đa tầng, đa cấp, hai bên duy trì giao lưu, tiếp xúc cấp cao hàng năm, tăng cường giao lưu nhân dân, hợp tác địa phương.

Việt Nam – Nhật Bản sẽ thực hiện hiệu quả các cơ chế đối thoại song phương và nghiên cứu thiết lập cơ chế mới. Hai nước hoan nghênh quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa hai Bộ Ngoại giao và tạo điều kiện để các cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự hai nước hoạt động thuận lợi.

Về an ninh và quốc phòng, hai bên khẳng định tăng cường hợp tác thực chất, hiệu quả trong lĩnh vực quốc phòng, hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, khắc phục hậu quả chiến tranh như rà phá bom mìn, tẩy độc dioxin, các lĩnh vực quân y, cứu trợ nhân đạo và cứu nạn thiên tai, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao trang thiết bị và công nghệ quốc phòng cho Bộ Quốc phòng Việt Nam.

Hai nước nhất trí về tầm quan trọng của việc theo đuổi thực hiện các quy trình của Hiệp định về chuyển giao công nghệ và thiết bị quốc phòng ký tháng 9/2021.

Thủ tướng Kishida giải thích Nhật Bản đã thiết lập khuôn khổ hợp tác mới, có tên là “Viện trợ an ninh chính thức” (OSA) nhằm làm sâu sắc hơn hợp tác an ninh, và đóng góp vào việc duy trì và củng cố hòa bình và an ninh quốc tế.

Hai lãnh đạo nhất trí đẩy mạnh hợp tác về an toàn và an ninh trên biển thông qua các hoạt động như huấn luyện chung, chia sẻ thông tin và nâng cao năng lực của lực lượng Cảnh sát biển hai nước.

Việt Nam và Nhật Bản tiếp tục tăng cường liên kết kinh tế giữa hai nước và khẳng định tầm quan trọng của hợp tác để đảm bảo an ninh kinh tế, trong đó Nhật tiếp tục hỗ trợ Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa với mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045.

Hai lãnh đạo hoan nghênh triển vọng giá trị vốn vay bằng đồng yen trong năm tài khóa Nhật Bản 2023 có thể lần đầu vượt 100 tỷ yen kể từ năm tài khóa 2017. Hai bên sẽ nỗ lực giải quyết các khó khăn còn tồn đọng trong quá trình thực hiện các dự án ODA của Nhật Bản thông qua một cơ chế hợp tác.

Hai nước mong muốn tăng cường tính chống chịu của các chuỗi cung ứng nhằm đảm bảo các hoạt động sản xuất ổn định vì lợi ích của cả hai bên, trong đó có tính đến tầm quan trọng của chuỗi cung ứng minh bạch, đa dạng, an toàn, bền vững và ổn định.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *