KIỀU MỸ DUYÊN
(Phỏng vấn Kiều Mỹ Duyên của biên tập viên Nhã Lan trong chương trình Tản Mạn Văn Học, đài Hồn Việt TV và Little Saigon)
Nhã Lan: Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, nhà lãnh đạo Giáo Hội Phạt Giáo Việt Nam Thống Nhất, một tổ chức tôn giáo không được nhà cầm quyền Việt Nam công nhận. Ngài bị nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam kết án tử hình. Ngài đã qua đời lúc 4 giờ chiều ngày 24/11/2023 ở chùa Phật Ứng, Đồng Nai, với những người thân thiết và các tu sĩ của giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất chung quanh. Thầy Tuệ Sỹ ra đi để lại những bài học khôn cùng về trí tuệ, sự chọn lừa và sự tận hiến cho Phật Giáo, cho quê hương và dân tộc. Chương trình “Tản Mạn Văn Học” hôm nay, chúng tôi được hân hạnh tiếp chuyện với nữ ký giả Kiều Mỹ Duyên. cùng đồng hành với quý vị tìm hiểu về thầy Tuệ Sỹ, một học giả, nhà văn, nhà thơ, và những đóng góp của thầy cho giáo hội Phật Giáo và cho quê hương, dân tộc, cũng như cho nền văn học Việt Nam hiện đại. Xin phép cho Nhã Lan được sơ lược vài dòng về thầy Tuệ Sỹ:
Thầy Tuệ Sỹ tên thật là Phạm Văn Thương, sanh năm 1943 tại tỉnh Pakse, Lào. Từ năm 6 tuổi, thầy đã học giới Sa Di ở Huế. Năm 12 tuổi, thầy vào Sài Gòn, sau đó trở lại tu học ở chùa Từ Đàm tại Huế, Phật Học Viện ở Nha Trang, rồi về thiền viện Quảng Hương, Già Lam ở Gò Vấp. Thầy tốt nghiệp viện Cao Đẳng Phật học Sài Gòn năm 1964 và viện đại học Vạn Hạnh năm 1965. Thầy được đặc cách bổ nhiệm giáo sư thật thụ viện đại học Vạn Hạnh năm 1970 nhờ những công trình nghiên cứu và những khảo luận triết học có giá trị rất cao như Đại Cương về Thiền quán, Triết học về tánh không, … Thầy rất giỏi chữ Hán và rất nhiều ngoại ngữ như tiếng Anh, Pháp, Đức, Lào, thông thạo tiến Bali và tiếng Phạn. Về văn học Việt Nam hiện đại, thầy đã có một số tác phẩm như: Giấc Mơ Trường Sơn (thơ), Thiên Lý Độc Hành và Những Điệp Khúc cho Dương Cầm.
Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ
Kiều Mỹ Duyên: Thầy Tuệ Sỹ ra đi là một mất mát rất lớn cho Phật Giáo Việt Nam. Rất nhiều người thương tiếc thầy. Thầy là một thiên tài hiếm có. Theo chúng tôi được biết, nhiều thi sĩ, nhà văn đã sáng tác những bài khóc thầy. Trước đây mấy chục năm, nhạc sĩ Trần Quản Long đã phổ nhạc từ các bài thơ của thầy, như tập thơ “Giấc Mơ Trường Sơn”, “Tô Đông Pha, những phương trời viễn mộng”- Tô Đông Pha là một thi sĩ nổi tiếng của Tàu. “Giấc Mơ Trường Sơn”- thầy Tuệ Sỹ nói về khát vọng của thầy, tập thơ này in đầu tiên ở Paris, sau đó in ở Úc Châu, ở Mỹ và được tái bản rất nhiều lần. Quý vị có thể tìm kiếm các tác phẩm của thầy trên Amazon. Gần đây, nhạc sĩ Trần Chí Phúc cũng sáng tác một bản nhạc phổ từ thơ của thầy trong tập thơ “Giấc Mơ Trường Sơn” của thầy. Bản nhạc đó được ghi trong “Tri ân thầy Tuệ Sỹ” rất nhiều cây bút đã viết.
Thầy Tuệ Sỹ dành cả cuộc đời cùng với các thầy khác dịch kinh Đại Tạng Việt Nam, đã ra mắt ở Quận Cam, nhiều thầy từ khắp nơi trên thế giới đến tham dự, trong đó có thầy Thái Hòa ở Việt Nam qua, hòa thượng Như Điển đến từ Đức, hòa thượng Nguyên Siêu đến từ San Diego, và nhiều ni sư, Phật tử. Đại Tạng Kinh Việt Nam gồm 29 cuốn. Hôm đó, thầy Tuệ Sỹ nói chuyện trên zoom, thầy rất gầy, gầy lắm, nhưng giọng nói của thầy mạnh mẽ, còn đầy sinh khí. Nhưng không ngờ, từ tháng 8 đến tháng 11, chỉ có 3 tháng thôi, thầy ra đi. Khắp nơi trên thế giới, nơi nào có đồng bào người Việt Nam, có chùa thì nơi đó đồng hương tổ chức lễ tưởng niệm thầy, lễ cầu siêu cho thầy. Chúng tôi được biết có một Phật tử, tên Quảng Nguyện, nói sẽ in Đại Tạng Kinh lần 2 sắp tới. Đồng bào đang đón chờ đọc. Còn quyển “Tri Ân Thầy Tuệ Sỹ” mới làm lễ tưởng niệm thầy, các đồng hương Phật tử đã thỉnh hết rồi. Có nhiều Phật tử từ xa về Cali này, bận đi bận về 5 giờ đồng hồ, mà không lấy được quyển tri ân nào. Tại vì người nào đến trước thì lấy trước.
Nhã Lan: Cơ duyên nào Kiều Mỹ Duyên biết và thăm thầy Tuệ Sỹ?
Kiều Mỹ Duyên: Gương anh hùng của thầy Tuệ Sỹ và thầy Trí Siêu cả thế giới đều ngưỡng mộ. Khi hòa thượng Thích Mãn Giác còn sinh tiền, thầy thường nói với Phật tử là thầy Tuệ Sỹ và thầy Trí Siêu là hai viên ngọc kim cương của Phật Giáo Việt Nam. Hai thầy can đảm, trong tay không có một tấc sắt, sau 1975, dám đứng trước Quốc hội đọc bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền. Sau đó, hai thầy bị Cộng Sản bắt. Cộng Sản tuyên án tử hình hai thầy, nhưng đồng hương Phật tử các quốc gia trên thế giới, bản án tử hình thành bản án tù 20 năm. Đồng hương Phật tử và các thầy các quốc gia khắp thế giới can thiệp, bản án 20 năm còn 15 năm. Sau này được thả, thầy về chùa Già Lam, Gò Vấp, không có hộ khẩu. Khi chúng tôi cùng phái đoàn ngoại quốc đến chùa thăm thầy, trước cổng chùa một đại đội công an canh gác. Đại đội trưởng nằm trên một cái võng, ai ra vô cũng dưới sự kiểm soát của công an. Phái đoàn ngoại quốc đến họ cũng cho vào, không đuổi ra. Đó là sự may mắn, chúng tôi được gặp thầy. Thầy Tuệ Sỹ thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Lào vì thầy sinh ra ở Lào, nhiều loại thứ tiếng Tàu. Thầy là một học giả uyên thâm có cái khéo về ngôn ngữ. Nhiều phái đoàn ngoại quốc sang Việt Nam muốn gặp thầy.
Nhã Lan: Với tư cách là một Phật tử, nhìn chân dung của thầy Tuệ Sỹ rất uyên thâm về học thức, về ngôn ngữ và tấm lòng bao la, độ lượng. Như vậy, những triết học về đời sống và Phật học được thầy áp dụng vào đời thường như thế nào?
Kiều Mỹ Duyên: Về Phật học, thái độ thản nhiên, bình tĩnh, lòng bao dung, rộng lượng, khoan dung của thầy, đem tình thương đến cho mọi người. Khi một người có niềm tin vào tôn giáo, người đó sống hạnh phúc lắm, không sợ hãi. Nếu ngày mai chết, dù biết trong quá khứ mình không làm gì tội lỗi, mình sẽ đến một nơi nào đó như Cõi Niết Bàn, bên Công Giáo là Thiên Đàng, triết lý sâu xa của Phật giáo đem đến hạnh phúc cho con người, vợ chồng thương yêu, cha mẹ thương yêu, hỷ xả, chỉ nhìn cái tốt của người khác mà không nhìn cái lỗi của người khác. Nhiều người lớn tuổi cũng như người trẻ tuổi học ở thầy Tuệ Sỹ rất nhiều: lòng quảng đại, bao dung, kiến thức uyên bác, và nhất là thầy rất yêu thiên nhiên. Có thể thấy điều đó trong các tác phẩm của thầy, thầy yêu thiên nhiên, yêu rừng núi, yêu cây cỏ, yêu những con suối, những ngọn đồi. Thầy suốt đời sống với thiên nhiên, rừng núi, cỏ cây, muông thú, … Một người như vậy rất khó tìm.
Nhã Lan: Chính quyền Cộng Sản Việt Nam đã từng trù dập và kết án tử hình thầy, nhờ sự kêu gọi của Phật tử khắp nơi, nên thầy bị giam trong thời gian ngắn. Thầy Tuệ Sỹ có suy nghĩ thế nào và đối xử với một chính quyền độc Đảng, hiểm ác, vô nhân đạo như vậy ra làm sao?
Kiều Mỹ Duyên: Thầy Tuệ Sỹ có nhiều tài, sau khi bị tù đày, một người rất có tài mà bị giam cầm 15 năm, nếu 15 năm đó, thầy Tuệ Sỹ và thầy Trí Siêu không bị ở tù thì các thầy làm được rất nhiều việc cho đất nước Việt Nam. Thầy biết trước nhiều việc lắm. Tiến sĩ Tuấn ở Hòa Lan vận động Quốc Hội Hòa Lan mời thầy đi qua Hòa Lan cách đây mấy chục năm để thuyết trình về Tự Do Tôn Giáo, Tự Do Nhân Quyền ở Việt Nam. Thầy từ chối không đi, vì thầy biết nếu thầy đi thì thầy sẽ không được về. Nhiều nhân sĩ muốn mời thầy qua Mỹ, thầy cũng từ chối vì thầy biết nếu thầy đi thì thầy sẽ không được trở về. Những lãnh đạo tôn giáo sống và chết trên đất nước của mình. Nếu mà tất cả những lãnh đạo đi hết thì lấy ai ở lại chiến đấu. Cho nên đồng hương không phân biệt tôn giáo rất kính phục thầy Tuệ Sỹ, thầy Trí Siêu và các thầy khác nữa. Những người đi đám ma, đưa đám tang thầy Tuệ Sỹ nói là công an rất nhiều, sợ mà sợ người chết nữa chứ? Thầy đâu còn tiếng nói nữa. Trong đám tang thầy Tuệ Sỹ, thầy Trí Siêu đi đầu, rất cảm động.
Nhã Lan: Nhã Lan được biết thầy Tuệ Sỹ có để lại một di chúc rất có giá trị cho đời sau và nhất là cho Phật tử khắp nơi. Xin cô nhắc những điểm chính trong di chúc của thầy Tuệ Sỹ ạ.
Thầy có đôi mắt sáng như sao Trời.
Kiều Mỹ Duyên: Di chúc của thầy được gửi đi khắp nơi trên thế giới. Thầy viết di chúc vào cuối tháng 9/2023 vì thầy biết rằng thầy sẽ không qua khỏi. Thầy viết di chúc lúc thầy còn tỉnh táo. Lúc thầy đau, thầy phải thở bằng máy, nhưng bên cạng thầy lúc nào cũng có cuốn kinh để khi tỉnh dậy, thầy đọc. Bệnh ung thư gây đau đớn lắm, khi vào thuốc thì thầy ngủ, khi tỉnh dậy thì thầy đọc kinh. Đặc biệt ở thầy Tuệ Sỹ, đôi mắt của thầy sáng như sao Trời, thầy ốm thật ốm.
Nhã Lan: Cô có thể cho những ví dụ điển hành về thầy Tuệ Sỹ cả một đời tận hiến cho Phật Giáo và cho Phật tử khắp nơi.
Kiều Mỹ Duyên: Thầy Tuệ Sỹ sống rất giản dị. Phòng thầy ở nhỏ xíu, người đến thăm ngồi dưới đất, không có ghế, ngồi trên thảm. Bà Mai Hương thuộc dòng hoàng gia, hoàng tộc, là chị ruột của ông Bửu Lộc, nhà hàng Seafood World, nổi tiếng ở miền Nam California kể: tôi về Việt Nam hàng năm làm việc từ thiện, đem tiền, gạo, áo ấm cho người nghèo ở Quảng Trị, đi với thầy Nguyên Giác (thầy Nguyên Giác cũng ở tù chung với thầy Tuệ Sỹ và thầy Trí Siêu), thầy Nguyên Giác cũng ở chùa Già Lam, phòng thầy Nguyên Giác đối diện phòng thầy Tuệ Sỹ. Bà Mai Hương đi làm việc từ thiện mấy chục năm ở Việt Nam nhưng không có cơ duyên gặp thầy Tuệ Sỹ. Lúc bà Mai Hương về Việt Nam, thầy Tuệ Sỹ nhập thất, không được gặp ai hết. Bà Mai Hương đã qua đời, nhưng vẫn chưa được gặp thầy Tuệ Sỹ.
Kiều Mỹ Duyên về Việt Nam, được gặp thầy ở chùa Già Lam, Gò Vấp năm 2005.
Rất nhiều đồng hương từ bên Đức, Hòa Lan, Đan Mạch, Pháp, Anh về Việt Nam muốn thăm thầy nhưng vào lúc thầy nhập thất nên không gặp được. Nhiều học trò của thầy trong chương trình trao đổi sinh viên thế giới: sinh viên Việt Nam qua học bên Anh, sinh viên Anh qua học ở Việt Nam, học ở trường đại học Vạn Hạnh. Học trò của thầy người Mỹ có, người Úc có, Pháp, Hòa Lan, Phần Lan, Thụy Sỹ, Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, … Những học trò đó lãnh hội được những cái hay của thầy, cho nên khi thầy Tuệ Sỹ viên tịch, học trò ở khắp nơi trên thế giới đều khóc và cầu nguyện cho thầy.
Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ và hòa thượng Thích Trí Siêu bị bắt năm 1984, sau đó bị chính quyền Việt Nam tuyên án tử hình năm 1988, với tội danh “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân”. Sau các đợt vận động và sự can thiệp của các tổ chức quốc tế, thầy Thích Tuệ Sỹ thoát án tử năm 1998.
Nhã Lan: Cảm ơn cô Kiều Mỹ Duyên đã cho khán thính giả chân dung của thầy Tuệ Sỹ trong Phật học: tận hiến cho Phật Giáo, và trong cuộc sống đời thường là một vị chân sư rất giản dị. Thầy quan tâm đặc biệt tới giới trẻ. Nhã Lan có đọc một đoạn trong sách, thầy nói: ” Nơi nào hiểm nạn, tôi nguyện sẽ là cầu đò. Nơi nào tối tăm, tôi nguyện sẽ là ngọn đuốc sáng. Đây có thể là ước nguyện xa vời, thậm chí sáo rỗng đối với một số người. Nhưng đó chính là mặt đất kim cang để trên đó tuổi trẻ tự vạch hướng đi cho mình, tự quy định những giá trị sống thực cho chính đời mình.”
Thầy thích sống giữa thiên nhiên, núi đồi, cây cỏ, muông thú
Cho thấy rằng thầy Tuệ Sỹ là một người có tấm lòng bao la, quảng độ và nhất là quan tâm đến giới trẻ. Thầy nói nơi nào hiểm nạn, tôi nguyện sẽ là cầu đò để nối, nơi nào tối tăm, tôi nguyện sẽ là ngọn đuốc sáng. Hy vọng các Phật tử ở khắp nơi và nhất là thế hệ trẻ noi theo đuốc sáng là thầy Thích Tuệ Sỹ. Người đã ra đi nhưng để lại nhiều bài học thật giá trị, khôn cùng về trí tuệ, chọn lựa và sự tận hiến đối với Phật giáo và với quê hương Việt Nam. Nhiều tác phẩm của thầy Tuệ Sỹ rất có giá trị về thi ca, về văn chương trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Ký giả Kiều Mỹ Duyên thích bài thơ nào nhất?
Kiều Mỹ Duyên: Quý vị có thể tìm quyển “Tri ân thầy Tuệ Sỹ” trong các thư viện Mỹ và sẽ được tái bản. Nếu quý vị muốn thỉnh quyển này, hãy gọi cho Kiều Mỹ Duyên. Số điện thoại 714-260-5884. Cầu xin Trời Phật đưa thầy Tuệ Sỹ về Cõi Niết Bàn. Xin thầy phù hộ cho những người Việt Nam lưu vong khắp nơi trên thế giới có một ngày về sống trên quê hương, khi quê hương thật sự có Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền. Tiến sĩ Tâm Thường Định cho biết sẽ tiếp tục in sách về thầy Tuệ Sỹ cũng như in Đại Tạng Kinh (lần 2) trong năm 2024, những sách này không bán. Nếu quý đồng hương muốn thỉnh những quyển sách này, xin liên lạc với Tâm Thường Định qua email: tamthuongdinh@gmail.com.
Nhã Lan: Xin đọc 4 câu thơ đầu tiên trong bài thơ “Thiên Lý Độc Hành”, nêu triết lý sâu xa và lãng mạn, đó là tâm tư của vị chân sư, thầy Thích Tuệ Sỹ:
” Ta về một cõi tâm không
Vẫn nghe quá khứ ngập trong nắng tàn
Còn yêu một thuở đi hoang
Thu trong đáy mắt sao ngàn nửa khuya.”
(Trích “Thiên Lý Độc Hành”)
Orange County, 2/2024
KIỀU MỸ DUYÊN
(kieumyduyen1@yahoo.com)