Tưởng Niệm Quốc Hận Của Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản Tại Nam California

Bài và hình THANH PHONG

LITTLE SAIGON (Cal). Bốn mươi chín năm đã trôi qua từ ngày miền Nam Việt Nam rơi vào tay quân Cộng Sản Bắc Việt, người Việt tỵ nạn khắp nơi trên thế giới đều không thể quên Tháng Tư năm 1975, tháng đen tối nhất của lịch sử dân tộc Việt. Năm nay người Việt tỵ nạn Cộng sản tại Nam California có rất nhiều tổ chức, hội đoàn, cộng đồng và thành phố tổ chức các buổi Tưởng Niệm Quốc Hận, trong đó có Lễ Chào Quốc Kỳ VNCH đúng 12 giờ trưa ngày 30.4.2024 tại Tượng Đài Đức Trần Hưng Đạo và Lễ Tưởng Niệm Quốc Hận tổ chức tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ lúc 5 giờ chiều ngày 30.4.2024 được đông đảo quan khách và đồng hương tham dự.

Lễ Chào Cờ Trước Tượng Đài Đức Trần Hưng Đạo: Do Hội Đồng Quản Trị Đền Đức Thánh Trần, Tập Thể Chiến Sĩ Trung Tâm Tây Nam, Liên Hội Cựu Chiến Sĩ và Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam Cali tổ chức. Một “Bức Tường Đen” được dựng lên, trong đó trưng ra hàng ngàn tấm ảnh ghi dấu tội ác của quân Cộng Sản Bắc Việt trong cuộc chiến xâm lược miền Nam, đặc biệt trong cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân 1968. Buổi lễ do niên trưởng, Trung Tá Võ Ý, nguyên Phi Đoàn Trưởng Phi Đoàn 118 Bắc Đẩu, Không Đoàn 72 Chiến Thuật, Sư Đoàn VI Không Quân  làm Trưởng Ban Tổ Chức. Trước Tượng Đài, các chiến hữu QL/VNCH, CSQG cùng đồng hương đứng thành ba hàng ngang và kéo dài khá xa hai bên Tượng Đài. Nghi lễ chào cờ và mặc niệm do HQ Trung Úy Đinh Quang Truật điều khiển. Sau bài quốc ca VNCH, lá cờ vàng ba sọc đỏ thân yêu được kéo xuống lưng chừng cột cờ trong tư thế”Cờ Rũ”.

Quang cảnh Lễ Chào Cờ trước Tượng Đài Đức Thánh Trần lúc 12 giờ trưa ngày 30.4.2024.

 

Niên trưởng Võ Ý  phát biểu cảm nghĩ của ông về ngày Quốc Hận 30.4.1975. Trong phần mở đầu, ông nói: “Thực ra, ngày 30 tháng Tư đã ló dạng vào năm 1969, khi người dân Mỹ biểu tình chống chiến tranh VN, năm 1970 ngay sau kế hoạch “Việt Nam Hóa Chiến Tranh”, và năm 1973 khi Hiệp định Ba Lê được ký kết, Chính phủ Hoa Kỳ đã thực sự vứt bỏ lời hứa và trách nhiệm của một đồng minh cũng là một cường quốc, mở đường cho Cộng sản Bắc Việt xâm lăng miền Nam. Hơn nữa, vì tin cậy vào Hoa Kỳ, nên khi bị cắt viện trợ, VNCH “mở cuộc triệt thoái thiếu chuẩn bị”, bỏ cao nguyên rút về duyên hải rạng sáng ngày 16/3/1975 gây nên một thảm họa dây chuyền  dẫn đến ngày mất nước!

Niên trưởng, Trung Tá Võ Ý, Trưởng Ban Tổ Chức Lễ chào cờ phát biểu

Cũng trong lời phát biểu, niên trưởng Võ Ý nhấn mạnh “Chúng ta tưởng niệm chứ không phải than vãn, vì chúng ta hằng tin, chế độ Cộng sản khát máu và lừa bịp ngày càng bị người dân, kể cả đảng viên cộng sản lật tẩy..” Sau đó, ông dẫn chứng qua những lời nói của nhà văn Dương Thu Hương khi lần đầu đặt chân vào thủ đô của miền Nam, bà đã khóc vì “thấy nền văn minh đã thua chế độ man rợ”, lời phát biểu của Bình Ngọc, một bộ đội phục viên trong bài “Xin Lỗi Tháng Tư” đã than “Không hiểu mình giải phóng cho ai?” và cô giáo Lê thị Lam than vãn “Sinh mạng con người dưới chế độ Cộng sản chỉ như cái móng tay”. Cuối bài phát biểu, vị Phi Đoàn Trưởng Không Quân kết luận “49 năm người Việt rút ra được bài học xương máu là dựa vào quyết tâm và nội lực của chính mình, không đặt trọn niềm tin vào ngoại bang, dù là đồng minh trong cuộc đấu tranh cho một VN Tự do, Dân chủ và Nhân quyền thật sự cho mai sau”.

Niên trưởng Phan Kỳ Nhơn trong lời phát biểu đã nêu rõ mục đích dựng Bức Tường Đen trước Tượng Đài Đức Thánh Trần để mọi người nhìn thấy rõ tội ác man rợ của những người Cộng sản Việt Nam, và đừng bao giờ nói “49 năm rồi còn chống Cộng gì nữa, chống làm sao được mà chống”.Niên trưởng Phan Kỳ Nhơn nhắc đi nhắc lại câu trên và ông khẳng định “Thế hệ chúng ta không chống được thì thế hệ con cháu chúng ta sẽ chống được, vì không thể để cả một dân tộc  chịu sự cai trị của những kẻ độc tài, chuyên đàn áp, bóc lột người dân, tước đi mọi quyền tự do, dân chủ và nhân quyền là những quyền căn bản và thiêng liêng của con người . Sau đó là lời phát biểu của ông Nguyễn Thanh Giàu đại diện Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ, cùng lời phát biểu của một số dân cử và lễ chào cờ chấm dứt lúc 01 giờ chiều cùng ngày.

Lễ Tưởng Niệm Quốc Hận Tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ: Buổi lễ do Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam Cali, Liên Hội Cựu Chiến Sĩ, Tập Thể Chiến Sĩ Trung Tâm Tây Nam tổ chức lúc 5 giờ chiều ngày 30.4.2024.  Trước giờ khai mạc, ca sĩ Quỳnh Hoa giới thiệu một số ca sĩ và nhiều tổ chức trong cộng đồng trình bày nhiều nhạc phẩm đấu tranh. Kỹ sư Tạ Trung giới thiệu thành phần tham dự gồm đông đủ các dân cử địa phương và tiểu bang như nghị sĩ Janet Nguyễn, Phó Thị Trưởng Santa Ana cô Thái Việt Phan và phái đoàn, cô Cindy Ngọc Trần, Phó Thị Trưởng Garden Grove và phái đoàn, Luật sư Derek Trần và cô Roxane Chow, ông Chánh Lục Sự Hiếu Nguyễn và phụ tá Billy Lê, cô Kim Bernice Nguyễn, nghị viên Garden Grove, bà Frances Nguyễn Thế Thủy, Chủ Tịch Học Khu Wesstsminster và phái đoàn; các hội đoàn quân đội, Cảnh Sát Quốc Gia,  Các Hội Cựu Học Sinh Gia Long, Trưng Vương, Lê Văn Duyệt, Petrus Ký, Chu Văn An, Trung Tâm Văn Hóa Hồng Bàng;  Trung Tâm Văn Hóa Việt Nam; CLB Hùng Sử Việt, Tổng Hội Sinh Viên VN Nam Cali, Đảng Việt Tân, Hội Ái Hữu Nha Trang Khánh Hòa, Học Khu Westminster, Đoàn Thanh Niên Phan Bội Châu, Ban Quản Trị Đền Đức Thánh Trần, Hội Đồng Hương Phú Yên….

Quang cảnh Lễ chào cờ trong buổi Tưởng Niệm Quốc Hận diễn ra vào lúc 5 giờ chiều ngày 30.4.2024 tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ.

Sau nghi thức chào cờ theo lễ nghi quân cách, ông Phát Bùi, Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam Cali và cũng là Trưởng Ban Tổ Chức phát biểu khai mạc. Sau khi nhắc lại biến cố đau thương vào tháng Tư năm 1975, ông Phát Bùi nói “Đã 49 năm trôi qua, lá Cờ Vàng vẫn tung bay khắp nơi trên những vùng đất Tự do, từ Hoa Kỳ đến Canada, từ Úc châu sang Âu châu…nơi nào có Tự do và có người Việt là có cả rừng Cờ Vàng. Nơi nào đã có rừng cờ vàng là Cở Đỏ không được  công nhận…Sau đó, ông Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia  ca ngợi sự hy sinh của các chiến sĩ QL/VNCH và đồng minh để bảo vệ tự do cho miền Nam Việt Nam, và ca ngợi sự thành công của người Việt tỵ nạn khắp nơi trên thế giới về đủ mọi phương diện như quân sự, chính trị, văn hóa kinh tế bằng năng lực của chính mình. Ông cũng ca ngợi nỗ lực của  Vietnamese Heritage Museum, của Viện Bảo Tàng VNCH trong nỗ lực truyền bá cho thế hệ mai sau biết về Lá Cờ Vàng. Sau cùng, ông Phát Bùi tin tưởng ở tương lai: “Thế hệ mai sau cần hiểu rõ khi cộng sản nói là thống nhất đất nước nhưng thật sự là xâm chiếm nước Việt Nam, trước tiên là miền Bắc vào năm 1945, sau đó là miền Nam vào năm 1975. Lá cờ đỏ hiện nay không phải là cờ của đất nước, của dân tộc mà chỉ là lá cờ đại diện cho một thể chế…áp đặt lên người dân Việt. Lịch sử thế giới từ nhiều ngàn năm qua, chứng minh không có một thể chế nào tồn tại lâu dài, chỉ có văn hóa và tinh thần dân tộc sẽ luôn luôn bền vững. Một ngày nào đó, nhiều năm nữa hay nhiều chục năm nữa, Lá Cờ Vàng, là cờ của dân tộc Việt sẽ trở lại tung bay trên khắp nẻo đường quê hương. Và ngày đó toàn dân Việt trong và ngoài nước sẽ thực sự chung một mái nhà – nhà Việt Nam trong thanh bình, thịnh vượng, độc lập và hoàn toàn tự do với nhân quyền cho mọi người”.

Lễ niệm hương trước bàn thờ Tổ Quốc, Tưởng niệm Quân, Dân, Cán, Chính đã hy sinh vì tổ quốc và đồng bào đã tử nạn trên đường tim tự do.

Tiếp theo đại diện 23 tổ chức, hội đoàn mang Vòng Hoa Tưởng Niệm lên đặt trước Tượng Đài. Ngoài vòng hoa của các hội đoàn còn có vòng hoa của Nghị sĩ Janet Nguyễn, của cô Thái Việt Phan (Phó Thị Trưởng Santa Ana), của Luật sư Derek Trần (ứng cử viên Dân Biểu Liên Bang Hoa Kỳ). Sau nghi thức đặt vòng hoa tưởng niệm, Ban Nghi Lễ do ông Phan Như Hữu điều khiển đã lên trước bàn thờ cử hành nghi thức Tế Lễ gồm dâng hoa, dâng hương và nhà văn Lê Anh Dũng đọc bài Văn Tế thật cảm động. Các MC  Đỗ Tân Khoa, Nguyễn Khoa Diệu Quyên và hai bạn trẻ Jolynna Đặng và Jennifer Quế tiếp tục điều hợp chương trình với những lời phát biểu của đại diện Liên Hội, của Tập Thể Chiến Sĩ và của Giới Trẻ qua những nhạc phẩm đấu tranh cho quê hương.  Tiết mục Thắp Nến Tưởng Niệm và nhạc phẩm “Bên Em Đang Có Ta và Có Tin Vui giữa Giờ Tuyệt Vọng” đã kết thúc chương trình với Lời cảm tạ của Ban Tổ chức.

Được biết, trong dịp Tưởng Niệm Quốc Hận năm 2024, Thượng nghĩ Sĩ Janet Nguyễn đã đệ trình Nghị Quyết SCR 100 công nhận Tháng Tư 2024 là Tháng Tư Đen để vinh danh 280,000 chiến sĩ QL/VNCH và 58,220 chiến sĩ đồng minh Hoa Kỳ đã hy sinh để bảo vệ tự do cho miền Nam. Ngoài ra, sau khi quân Cộng Sản bắc Việt xâm lăng miền Nam, đã có gần 2 triệu người tìm cách trốn thoát khỏi Việt Nam, hơn 500,000 người chết trên đường tìm tự do. Nghị Quyết SCR 100 do Nghị sĩ Janet Nguyễn đệ trình đã được Quốc Hội tiểu bang California công nhận.

Buổi Tưởng Niệm kết thúc tốt đẹp vào khoảng 9 giờ tối cùng ngày./.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *