KIỀU MỸ DUYÊN
Chiều chủ nhật ngày 5/5/2024, lúc 1 giờ, nhà văn Phạm Gia Đại ra mắt sách “Người muôn năm cũ” ở 8200 Westminster, thành phố Westminster. Chưa tới giờ khai mạc mà đồng hương đã lần lượt đến và đứng xắp hàng mua sách. Một quyển chỉ có $25, có người mua 3 quyển, có người mua 10 quyển. Chúng tôi không lấy làm lạ vì trước đó đã có đồng hương gọi tôi để hỏi sách bán ở đâu để mua qua bưu điện. Đồng hương ở xa về Little Saigon mua sách rất cảm động, người về từ San Bernardino, Riverside, San Diego, Los Angeles, Long Beach, Hawaii, San Francisco.
Đặc biệt các con của nhà văn Phạm Gia Đại là cô Trâm Phạm, chồng là Kevin Phạm, con trai là Dane Phạm đã bay về ngày hôm trước để phụ giúp bố. Các em của nhà văn là cô Trang ở San Diego, cô Tuyết, Thu, Khánh ở Orange County lo thực phẩm. Thức ăn rất nhiều, nhiều món khác nhau, rất tinh khiết và rất ngon. Bánh nướng rất độc đáo, vừa giòn vừa thơm ngon.
Quan khách đủ thành phần: giáo sư Lê Văn Khoa, đầu tóc bạc phơ, các cháu thế hệ thứ hai, thứ ba trong chiếc áo dài tha thướt như đi đại nhạc hội, nữ quân nhân Trung Úy Kim Chi rực rỡ trong chiếc áo dài, cô Tuyết, làm ban xã hội trong tổng y viện Cộng Hòa và nhiều nữ quân nhân có mặt trong buổi ra mắt sách này; nhiều người mặc quân phục Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân, Hải Quân, Không Quân, bộ binh, v.v. Nhà văn Phạm Gia Đại ở tù 17 năm, là người tù cuối cùng, về cùng lúc với các tướng Lê Minh Đảo, Đỗ Kế Giai, Trần Bá Di, v.v.
Đông đảo quý đồng hương đến tham dự buổi ra mắt sách. (Ảnh của Triều Lam)
Kiều Mỹ Duyên được mời lên phát biểu cảm tưởng. Đọc bản thảo “Người muôn năm cũ” của nhà văn Phạm Gia Đại, chúng tôi vô cùng xúc động và ghi nhớ 3 điều đặc biệt của nhà văn: niềm tin mạnh mẽ vào tôn giáo nên sống còn, tình cảm đậm đà của cha mẹ và sự hy sinh của gia đình anh chị em, và tình bằng hữu không bỏ nhau lúc nguy khó trong lúc ở trong tù.
Kiều Mỹ Duyên phát biểu (Ảnh của Triều Lam)
Nhà văn Phạm Gia Đại đã thành công về quyển sách đầu tiên “Những người tù cuối cùng” và cũng thành công với quyển sách mới “Người muôn năm cũ” này. Ông viết sự thật về những ngày khốn khổ nhất của người tù vì ông là nhân chứng sống.
Nhà văn Phạm Gia Đại ký tên tặng độc giả (Ảnh của Triều Lam)
Sách được phổ biến rộng rãi trên TV, radio, báo. Nhà văn làm việc tích cực trong các sinh hoạt của các hội như Bưởi Chu Văn An, Trưng Vương, Petrus Ký, Võ Trường Toản, Lê Văn Duyệt, Sư Đoàn 5, v.v., nên có sự hiện diện của dược sĩ Bội Tú, cựu chủ tịch hội ái hữu Trưng Vương, Minh Phú, cựu nữ sinh Trưng Vương, báo Người Việt, cựu sinh viên Võ Bị Đà Lạt, Thủ Đức, Hải Quân, Không Quân, Nhảy Dù, hội hậu duệ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, bác sĩ Võ Đình Hữu.
Buổi ra mất sách rất vui, con trai, con gái nhà văn chạy tới bố: bố ơi, có bác muốn chụp hình với bố. Rồi các cô em gọi nhau ơi ới: anh ơi, có anh chị muốn chụp hình với anh. Con rể gọi bố: bố ơi, có bác muốn bố ký tên vào sách. Đó là niềm vui cho tác giả.
Các quyển sách đã được nhà văn ký tên sẵn rồi, nhưng cần chính tay tác giả viết tên của người mua sách nữa thôi.
Những bản nhạc về lính, về quê hương được nhiều tràng pháo tay tán thưởng. Xướng ngôn viên Ngọc Thủy trong chiếc áo dài rực rỡ, nói năng lưu loát, nói về những khi cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, rất nhiều người sĩ khí anh hùng, đầu đội Trời chân đạp đất, đã vùi thây trong rừng sâu, núi thẳm.
Bạn bè, thân hữu và quý đồng hương đến tham dự buổi ra mắt sách (Ảnh của Triều Lam)
Nhà văn Phạm Gia Đại rất cảm động khi thấy nhiều đồng hương đến tham dự buổi ra mắt sách. Người ở xa nhất là bà Ngọc Nhung, phu quân và nhóm Đàn Chim Việt đến từ Hawaii, người có công đem 81 hài cốt của chiến sĩ Biệt Kích về an táng ở nghĩa trang Westminster. Bà Ngọc Nhung trả lời câu hỏi phỏng vấn của Kiều Mỹ Duyên cảm nghĩ của bà về nhà văn và sách “Người muôn năm cũ”: Phạm Gia Đại là một nhà văn và là nhà đấu tranh, quyển sách có giá trị về tài liệu cho chính tác giả là nhân chứng sống viết lại. Do đó, những câu chuyện trong hồi ký chân thật. Tài liệu bằng song ngữ nên có giá trị thời gian và không gian, truyền cho thế hệ con em hiểu lịch sử về tội ác của Cộng Sản, sách sẽ được phổ biến rộng rãi hơn. Tác giả còn sống là còn vạch trần chủ nghĩa Cộng Sản, không ngại hy sinh cả sức khỏe và quãng đời còn lại. Quyển hồi ký là những kinh nghiệm trãi qua bằng máu và nước mắt của một tù nhân 17 năm trong ngục tù Cộng Sản. Ông sẽ dâng hiến quãng đời còn lại tiếp tục phục vụ cho lý tưởng “không Cộng Sản”.
Những người bạn tù cũ của nhà văn từ 13- 17 năm, những người bạn học ở trường Chu Văn An cùng đến chia sẻ niềm vui trong ngày ra mắt sách.
Nhà văn Nguyễn Quang lắng nghe bài ca “Ai về xứ Việt”, thơ của Minh Đức Hoài Trinh, cố phu nhân của ông. Cháu Minh Thu, con của Nga Nguyễn mua 6 quyển sách tiếng Anh. Cô Minh Khai, em ruột của nhạc sĩ Lam Phương lắng nghe một cách say mê ca sĩ hát bài do nhạc sĩ Lam Phương sáng tác. Xướng ngôn viên duyên dáng Bích Ngọc và Nguyễn Đức Nam giọng nói vui tươi, lưu loát.
Ông Lý Thành Phương từ San Diego đến Orange County tham dự ra mắt sách của nhà văn Phạm Gia Đại, nhưng ngồi trên xe lửa rồi, xe lửa bị trục trặc. Ông Dũng Huỳnh, một người trong những người sáng lập nguyệt san “Tôi yêu tiếng nước tôi”, đem một bình hoa đến tặng, chúc nhà văn Phạm Gia Đại và buổi ra mắt sách thành công.
Trên bàn tiếp tân có bình hoa rất đẹp, hoa hồng, hoa lan, do đồng hương đem đến tặng. Cô Michelle Ngọc Đỗ và cô Bích Ngọc có giọng nói ngọt ngào, và Trần Anh Tuấn, keyboard. Ba người đã đọc truyện “Những người tù cuối cùng”, hy vọng sẽ tiếp tục đọc “Người muôn năm cũ”. Rất tiếc, ca sĩ Thiên Hoàng, giọng ca tuyệt vời ở San Diego, giờ chót không đến được vì trong gia đình có tang. Cô Mộng Tuyền, chủ báo Bút Tre ở Arizona, không đến được để vừa hát vừa đàn cho quý đồng hương thưởng thức. Nhạc sĩ Trần Chí Phúc đàn bài “Xác em đi phương nào” được ca sĩ Phong Dinh trình bày.
Mọi người đến chúc mừng và chia vui với nhà văn Phạm Gia Đại trong buổi ra mắt sách.
Trong sách cũng như ngoài đời, khi nói về niềm tin tôn giáo, nhà văn Phạm Gia Đại nói một cách say sưa nhờ Ơn Trên cứu sống ông, và Ơn Trên mở mang trí tuệ của ông, như cô tiên từ trên Trời xuống ban cho ông sinh tồn cho đến ngày hôm nay. Khi viết sách, ông có cơ hội để nói về hiện tình đất nước lạc hậu, ông tin tưởng trong tương lai đất nước Việt Nam sẽ khá hơn.
Một buổi ra mắt sách thành công. Thành công vì người đến để mua sách, đến để gặp tác giả chụp hình, đến để gặp bằng hữu hàn huyên tâm sự, nhất là bạn đã từng ở tù với tác giả đến để nói về những ngày tù đày khốn khổ, v.v.
Orange County, 6/5/2024
KIỀU MỸ DUYÊN
(kieumyduyen1@yahoo.com)