Theo truyền thống Phật giáo Trung Quốc và những nước chịu ảnh hưởng văn hoá Trung Quốc, trong đó có Việt Nam, hằng năm đều kỷ niệm Đức Phật đản sanh vào ngày 8 – 4 âm lịch, kỷ niệm đức Phật thành đạo vào ngày 8 -12 âm lịch và kỷ niệm ngày Đức Phật nhập Niết bàn vào ngày 15 – 2 âm lịch.
Sự kiện Phật thành Đạo có ý nghĩa rất lớn đối với những người con Phật. Ngày Phật thành Đạo không chỉ là một cuộc chinh phục vĩ đại, một chiến thắng vẻ vang đối với bản thân Đức Phật sau sáu năm tu khổ hạnh và 49 ngày đêm ngồi tĩnh tọa dưới cội Bồ đề để thể nhập chân lý, chứng đắc quả vị tối thượng trở thành Phật Thích-ca-mâu-ni. Mà còn là một sự khai sáng tuyệt vời cho hết thảy nhân loại, chúng sanh. Chính thức xuất hiện của Thích-ca-mâu-ni để dắt dẫn chúng sanh hướng về nẻo giác.
Thượng tọa Thích Pháp Tánh trụ trì chùa Khánh Hỷ ((Địa chỉ 10502 Orangewood Ave, Garden Grove, CA 92840) và chùa Từ Ấn (tại thành phố Wildomar, Riverside County) mời quý đồng hương, phật tử đến dự Đại Lễ ĐỨC PHẬT THÀNH ĐẠO tại chùa Từ Ấn (Địa chỉ 32693 Gruwell St. Wildomar. Ca 92595. tại thành phố Wildomar, Riverside County.) vào ngày Chủ Nhật 14/1/2024 sắp tới, vào lúc 10:30 am.
Năm 2018, để kỷ niệm Phật thành Đạo, Chùa Khánh Hỷ do Thượng Tọa Thích Pháp Tánh làm trụ trì đã long trọng tổ chức Đại Lễ Phật Thành Đạo vào lúc 1:00 chiều Chủ Nhật, ngày 28 tháng 1 năm 2018 tại Saigon Performing Art (thành phố Fountain Valley), vào cửa tự do.
Buổi lễ với nghi thức Lễ Phật Thành Đạo, Trai Tăng và Văn Nghệ Cúng Dường. Chương trình văn nghệ với nhiều tiết mục quy mô và đặc sắc gồm Hoạt cảnh Đức Phật Thành Đạo – Tây Du Ký – Biểu diễn trang Phục các quốc gia Phật giáo cùng với sự góp mặt của các anh chị em ca nghệ sĩ Nguyễn Hồng Nhung, Lâm Nhật Tiến, Quốc Việt, Thu Hương và chúng A Dục Vương Chùa Khánh Hỷ. Đây là một tập thể nam nữ Phật tử tham gia vào sinh hoạt của chùa hỗ trợ để thực hiện chương trình Lễ Phật Thành Đạo thật quy mô.
Giải thích lý do vì sao bấy lâu nay trong cộng đồng người Việt tại Nam California chỉ thường tổ chức đại lễ Đức Phật Đản Sanh, chứ không tổ chức Lễ Phật Thành Đạo, Thượng Tọa Thích Pháp Tánh nói, “Thật ra Lễ Phật Thành Đạo là lễ quan trọng với Phật giáo, vì đó là ngày Đức Phật sau những năm tu khổ hạnh đã giác ngộ chân lý. Cho nên ngày lễ Đức Phật Thành Đạo với cộng đồng Phật giáo rất quan trọng. Tuy nhiên sau những đại hội Phật giáo của thế giới, lấy ngày Đức Phật Đản Sanh là ngày lễ Tam Hợp, gồm có Lễ Phật Đản Sanh, Phật Thành Đạo và Phật nhập Niết Bàn, là ba sự kiện quan trọng trong cuộc đời của đức Phật Thích ca mâu ni. Gom chung lại là lễ Tam Hợp hay còn gọi là Đại Lễ Vesak và đã được các truyền thống Phật giáo chấp nhận trong kỳ Ðại hội Phật giáo Thế giới lần thứ VI vào năm 1961. Liên Hiệp Quốc cũng đã công nhận Lễ Phật Đản Sanh thành Đại lễ Vesak, là một sư kiện vô cùng hy hữu của tổ chức lớn nhất thế giới này. Nên từ đó Lễ Đức Phật Thành Đạo là lễ thứ yếu trong Phật giáo, và tất cả các chùa, các từ viện trên thế giới tổ chức lễ Đức Phật Đản Sanh như là sự kiện chính.”
Theo Thượng Tọa Thích Pháp Tánh, “Hằng năm, đúng ngay ngày 8 tháng 12 tháng chạp, các chùa thường tổ chức lễ Đức Phật Thành Đạo tại từ viện của mình, nhưng không phổ biến rộng ra với cộng đồng như vào năm 2018 chùa Khánh Hỷ tổ chức. Vì chùa Khánh Hỷ nhỏ, nên chùa chọn tổ chức tại rạp Saigon Performing Art, mang tính chất phổ biến rộng ra để đồng hương đến dự.”
Lúc bấy giờ Thượng tọa Thích Pháp Tánh rất vui khi tổ chức lễ Đức Phật Thành Đạo chung cho cộng đồng, với mong muốn tổ chức đại lễ này như dấu ấn để cho cộng đồng Phật giáo thấy tầm quan trọng của ngày Đức Phật Thành Đạo.
Thượng Tọa Thích Pháp Tánh cho biết, “Ngày Đức Phật Thành Đạo chính là dịp để ôn lại cuộc đời và ý nghĩa mà sự giác ngộ của Ngài là một điều hy hữu, là lợi lạc lớn lao cho mọi chúng sanh. Là ánh sáng trí tuệ xua tan bóng tối vô minh, đau khổ, và cùng ôn lại vai trò của nền giáo lý đức Phật. Giáo lý đó có những tư tưởng tiến bộ để con người có thể tự xây dựng một xã hội mà con người đang đi tìm giải pháp. Đạo của Đức Phật là Đạo cho đời, Đạo của tình thương, đại nguyện của Ngài là cứu độ toàn thể chúng sanh thoát vòng đau khổ. Đó không phải là một Đạo đưa đến những sự chứng đắc lửng lơ, không ăn nhập với cuộc sống con người. Sự thành đạo của Ngài là kết quả tự nhiên của tự tu tự chứng chớ không mảy may chứa đựng bóng mờ của giao cảm với thần linh hay cứu rỗi.”
Đạo Phật là một tôn giáo có hơn 300 triệu tín đồ trên khắp thế giới. Phật giáo (Buddhism) có nguồn gốc từ chữ “Buddhi”, có nghĩa “giác ngộ”, “thức tỉnh”, dựa trên lời dạy của Đức Thích-ca-mâu-ni Phật (Sakyamuni) hay còn gọi là Đức Phật (Buddha), là đấng Giác ngộ, là bậc thức tỉnh. Ngài đã thức tỉnh được lưới tham ái, vô minh sau khi trải qua kinh nghiệm tu tập, nhận chân được bản chất của cuộc đời, sự sống và cái chết.
Trong tiếng Anh, Đức Phật còn được gọi là một người giác ngộ, mặc dù trong ngôn ngữ Sanskrit “Bodhi” có ý nghĩa là “tỉnh thức”.
Đức Phật không là Thượng Đế, và Ngài cũng không tuyên bố Ngài là Thượng Đế. Ngài là Người giảng dạy con đường đưa đến giác ngộ, từ kinh nghiệm thực chứng của Ngài.
Đối với nhiều người, Phật giáo không phải chỉ là một tôn giáo mà còn xem như là một triết học, hay đúng hơn, đó là một lối sống. Phật giáo là một triết học, vì danh từ “triết học – philosophy” có nghĩa là “sự yêu chuộng trí tuệ”, và con đường của đạo Phật có thể tóm tắt gồm, “sống có đạo đức, nhận thức rõ ràng về mọi ý nghĩ và hành động, phát triển sự hiểu biết và trí tuệ.”
Trong suốt những năm còn tại thế, Đức Phật đã du hành và truyền giảng các nguyên lý trong đạo Phật, được gọi là Pháp, hay Chân lý. Tuy nhiên, Đức Phật không dạy cho mọi người những gì mà Ngài biết khi chứng ngộ, mà thay vào đó Ngài dạy cho mọi người làm thế nào nhận thức rõ tính giác ngộ vốn có sẵn ngay chính bản thân của mỗi người. Đức Phật dạy rằng bản chất giác ngộ chỉ đến từ kinh nghiệm trực tiếp, chứ không thể thành tựu thông qua bằng niềm tin và các giáo điều.
Với tâm nguyện của người xuất gia là Thượng Cầu Phật Đạo, Hạ Hoá Chúng Sanh, Thượng tọa Thích Pháp Tánh nghĩ rằng Phật đạo để cầu, mình chưa thành, nhưng ít nhất mình làm một công dân tốt và một người xuất gia trong tinh thần tôn giáo thì mình làm những gì góp phần lợi lạc cho cộng đồng, cũng như tôn giáo. Lời nhắn nhủ của Thượng tọa Thích Pháp Tánh với cộng đồng người Việt hải ngoại chúng ta là hãy luôn luôn nuôi dưỡng tinh thần từ bi phụng sự và biết chia sẻ những gì mình có được với những người không được may mắn như mình. Biết làm những điều tốt, những việc thiện, để gieo trồng phước đức. Tùy theo khả năng của mình, có khi không nhất định phải là của cải vật chất, mà kiến thức của chúng ta cũng rất quan trọng trong việc xây dựng ngôi nhà tâm linh nói riêng và xây dựng cộng đồng người Việt chúng ta nói chung tại hải ngoại mỗi ngày càng phát triển hơn.”
Thượng tọa Thích Pháp Tánh gửi lời mời, “Kính bạch Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni
Kính thưa quý Đồng Hương Phật tử
Để cảm niệm thâm ân sâu dày của Đấng Từ Phụ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật đã vì chúng sanh mà thị hiện cứu độ, chúng con, hàng Tăng Ni Phật tử Chùa Khánh Hỷ thành tâm tổ chức lễ Phật Thành Đạo. ngưỡng mong chư Tôn Thiền Đức từ bi hoan hỷ quang lâm chứng minh cho chúng con, kính mong quý Đồng Hương Phật tử nhín chút thời gian tham dự Đại Lễ Đức Phật Thành Đạo tại chùa Từ Ấn (Địa chỉ 32693 Gruwell St. Wildomar. Ca 92595. tại thành phố Wildomar, Riverside County.) vào ngày Chủ Nhật 14/1/2024, vào lúc 10:30 am. Sự hiện diện của quý Ngài và quý Phật tử sẽ là sự khích lệ lớn lao cho hàng Tăng Ni Phật Tử chúng con trên bước đường hoằng dương Phật Pháp
Ân pháp vũ thấm nhuần ba cõi
Đạo từ bi tỏa khắp muôn phương”
(Khánh Diệu)