Cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Trung Kiên cùng cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Hương Lan và cựu Phó Trưởng phòng thuộc Cục Xuất nhập cảnh Bộ Công an Vũ Anh Tuấn đều bị tuyên y án chung thân.
Tòa án phúc thẩm đại án “chuyến bay giải cứu” tại Hà Nội đã tuyên án phúc thẩm đối với 21 bị cáo.
Theo bản án phúc thẩm, bị cáo Phạm Trung Kiên được giao nhiệm vụ thư ký thứ trưởng Bộ Y tế. Tuy nhiên, ông Kiên đã lợi dụng chức vụ được giao để làm khó các bên tham gia thực hiện các chuyến bay combo và chuyến bay giải cứu.
Các hành vi của ông Kiên, bà Lan và ông Tuấn bị cho là “xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của cơ quan nhà nước, gây bất bình và tạo dư luận xấu trong nhân dân”.
Theo bản án phúc thẩm, bị cáo Kiên và bị cáo Tuấn có hành vi “sách nhiễu”, đưa ra giá “chung chi” và yêu cầu doanh nghiệp phải đưa tiền thì mới cấp phép.
Bị buộc tội là người nhận số tiền hối lộ lớn nhất là 42,6 tỷ đồng, ông Kiên không được chấp nhận kháng cáo và bị tuyên y án chung thân. Bị cáo Kiên mới đây đã nộp thêm 400 triệu đồng khắc phục, sau khi đã nộp lại 42,2 tỉ đồng trước đó.
Còn bà Lan bị cáo buộc nhận hối lộ hơn 25 tỷ đồng của các doanh nghiệp. Tại phiên phúc thẩm, bà Lan nói mình đã khắc phục số tiền tổng cộng là 6,2 tỷ, trên tổng số 25 tỷ đồng nhận hối lộ.
Báo Thanh Niên Online dẫn lời Hội đồng xét xử đánh giá đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra tại nhiều bộ, ngành. Nhóm bị cáo nhận hối lộ đều là người có chức vụ, quyền hạn nhưng đã lợi dụng dịch bệnh, vị trí công tác để nhũng nhiễu, tạo cơ chế xin – cho buộc doanh nghiệp phải đưa hối lộ.
Bên cạnh đó, bị cáo Vũ Sỹ Cường, cựu cán bộ Phòng Tham mưu (Cục Quản lý xuất nhập cảnh), cũng bị tuyên y án sơ thẩm chín năm tù về tội nhận hối lộ.
Tòa cũng tuyên y án sơ thẩm bị cáo Trần Minh Tuấn, Giám đốc Công ty CP xây dựng Thái Hòa, 16 năm tù tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hai năm tù về tội đưa hối lộ.
Trong số các bị cáo được tòa phúc thẩm chấp nhận một phần kháng cáo, sửa bản án sơ thẩm có ông Hoàng Văn Hưng, cựu điều tra viên của Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an), người được giảm từ chung thân xuống còn 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cùng chung một tội nhận hối lộ, ông Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, bị quy kết nhận hối lộ số tiền 21,5 tỷ đồng từ đại diện các doanh nghiệp. Tòa sơ thẩm tuyên ông Dũng 16 năm tù nhưng tòa phúc thẩm đã giảm án cho ông hai năm. Cuối cùng, cựu Thứ trưởng Dũng lãnh 14 năm tù.
Ông Trần Văn Tân, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cũng được giảm án một năm tù so với án sơ thẩm nên ông Tân chịu 5 năm tù giam.
Ngoài ra, hầu hết các bị cáo trong nhóm doanh nghiệp phạm tội đưa hối lộ có kháng cáo đều được tòa phúc thẩm chấp nhận giảm một phần mức án.
Hồi tháng 7, sau khi diễn ra phiên sơ thẩm, nhà báo David Hutt, người chuyên viết trong mục ‘Đông Nam Á’ của tờ The Diplomat, bình luận rằng đại án “chuyến bay giải cứu” cho thấy chiến dịch ‘đốt lò’ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dường như chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn nạn tham nhũng.
“Điều này cho thấy bất kỳ chiến dịch chống tham nhũng nào do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cũng sẽ thất bại nếu không giải quyết một vấn đề thật sự – đó là tình trạng ở một quốc gia độc đảng, các quan chức chỉ bị quan chức cấp cao hơn sờ gáy,” David Hutt nhận xét. “Chỉ có thay đổi về hệ thống chính trị mới giải quyết hiệu quả được nạn tham nhũng.”
Bình luận về phiên sơ thẩm trước đó, nhà văn Trần Quốc Quân từ Ba Lan cũng cho rằng phiên tòa “mới chỉ giải quyết phần nổi của tảng băng”.
“Phần nổi của tảng băng này là quan hệ giữa doanh nghiệp đưa hối lộ và quan chức nhận hối lộ có quyền cấp phép cho các ‘chuyến bay giải cứu’. Phần chìm của tảng băng này là quan hệ giữa các quan chức có quyền duyệt danh sách công dân Việt Nam sinh sống, lao động và học tập tại nước ngoài được ‘giải cứu’ về nước trong đại dịch Covid-19.”