Dương Ngọc Lãng
Tối Thứ Bảy 19-4-2025, tại Hội trường Báo Người Việt, đông đảo khán giả đến dự đêm nhạc Trần Chí Phúc- Sài Gòn Một Thoáng 50 Năm, thưởng thức những ca khúc thương nhớ Sài Gòn, vượt biển và nỗi nhớ quê hương đã xa của tác giả.

Nhạc sĩ Trần Chí Phúc từng thực hiện những đêm nhạc nhân mùa Quốc Hận 30-4 hồi còn ở thành phố San Jose như Sài Gòn Một Thoáng 20 Năm (1995), Sài Gòn Một Thoáng 30 Năm (2005), Sài Gòn Một Thoáng 40 Năm (2015) tại Quận Cam và đêm này Sài Gòn Một Thoáng 50 Năm (2025).
Trong lời cám ơn bằng hữu tiếp lửa đấu tranh để thực hiện đêm nhạc, cám ơn các tiếng hát trình diễn, cám ơn giới truyền thông, cám ơn khách tham dự, Trần Chí Phúc bày tỏ nỗi ước mơ một ngày thành phố Sài Gòn sẽ trở lại tên xưa và đồng bào quê nhà sẽ cởi bỏ gông xiềng chủ nghĩa Cộng sản để dân tộc Tiên Rồng được thực sự tự do dân chủ và đất nước có cơ hội phát triển sánh vai cùng thế giới.
Tác giả giới thiệu tập nhạc mới ấn hành, Sài Gòn Một Thoáng 50 Năm gồm 36 ca khúc, trong đó có 18 bài về Sài Gòn và 18 bản còn lại là nỗi thao thức về quê hương, viết trong mấy chục năm qua.

Phong Dinh mở đầu với bản Sài Gòn Yêu Mãi “Chiều nay thương nhớ gởi tới quê xa. Bài ca mơ ước đất nước thăng hoa. Ngày vui sẽ tới thanh bình ấm no. Anh mãi yêu em yêu mãi Sài Gòn.” Bài hát điệu Slow rồi chuyển qua điệu Tango rồi điệu Rumba cho người nghe cảm giác sinh động thích thú.
Lâm Dung và Ngọc Quỳnh song ca bản Nỗi Buồn Tháng Tư Bảy Lăm nhưng vẫn khởi lên nỗi hi vọng một ngày “Ngày dân chúng đứng lên, quăng chủ nghĩa phi nhân, Tự Do ấm no vững bền”.
Những bài về Sài Gòn theo dấu thời gian như Sài Gòn Một Thoáng 20 Năm (Oscar Thuận Nguyễn ca), Sài Gòn Một Thoáng 30 Năm (Kim Yến ca), Sài Gòn Một Thoáng 40 Năm (Erlinda Dương ca), Sài Gòn Một Thoáng 45 Năm (Ái Phương ca), Sài Gòn Một Thoáng 50 Năm (Như Mai ca); mỗi bài mỗi vẻ nhưng vẫn chan chứa niềm tin thành phố Sài Gòn sẽ hồi sinh, sẽ trở lại tên xưa.

Tiếng hát Nam Trân ngọt ngào với bản Anh Yêu Em Nên Yêu Sài Gòn: “Anh yêu em cám ơn thành phố, xanh mãi ước mơ ngày ấy người về”. Đông Triều với bản Sài Gòn Nhớ Bolero: “Bài hát nghe thật lâu, chợt nhói lên niềm đau, Sài Thành đổi tên rồi, rượu cay uống say”.
Đặc biệt danh cầm Nguyễn Đức Đạt ngồi ôm đàn hát Sài Gòn Em Ở Đó- Tiếng hát chàng nhạc sĩ khiếm thị thắm thiết, ngón đàn điêu luyện. Bài tình ca hát có lời đặc biệt “Em dáng yêu đôi vai gầy, làn tóc ngát hương say, mắt xanh nay u hoài, cuộc sống không ngày mai, không một bóng tương lai, trong ngục tù chủ nghĩa, trong ngục tù giai cấp, ôi ngục tối đêm dài.” Khán giả đứng lên vỗ tay tán thưởng.
Trần Chí Phúc hát nhạc phẩm đấu tranh Con Đường Việt Nam Mong Chờ tặng Trần Huỳnh Duy Thức vừa mới ra tù sau mười bốn năm bị giam cầm vì tội âm mưu lật đổ nhà nước Việt Cộng và cũng tặng cho người bạn ở San Jose âm thầm hỗ trợ cho nhiều tổ chức hoạt động đấu tranh tại quê nhà là Nguyễn Xuân Ngãi. Bài ca tha thiết mong chờ một lý thuyết, một con đường Việt Nam đúng đắn để đưa dân tộc thực sự tự do dân chủ. Con đường Việt Nam đúng đắn là người dân phải được quyền đi bầu cấp lãnh đạo đất nước- một điều rất đơn giản nhưng chưa thực hiện được tại Việt Nam bây giờ.

Đào Tâm hát Chiều San Francisco: “Tiếng đàn góc phố gã nhạc sĩ không tên, chiều San Francisco biển mờ khuất cố hương”, và bản Đưa Em Về Thăm Quê: “Em ơi ước mơ thật bình thường, mà anh vẫn mang theo trọn kiếp sống lưu vong”.
Thúy Anh duyên dáng trong nhạc phẩm Tà Áo Dài Quê Hương, điệu Swing rộn ràng: “Này người thiếu nữ xa xứ ơi, tình yêu quê hương thiết tha không nhòa, vì chiếc áo em mặc là dáng nét tuyệt vời, tà áo dài quê hương”.
Oscar Thuận Nguyễn trong bản Rumba Giã Từ Thành Phố: “giấc mơ vẫy vùng, tàn theo năm tháng qua, nhìn về quê xa đã khuất sau ngàn sóng”.

Ca nhạc sĩ Ngọc Trọng- người bạn văn nghệ nhiều năm với tác giả từ hồi còn ở Calgary Canada hát bản Chiều Winnipeg, bàng bạc nỗi buồn viễn xứ: “Ta đứng đây nơi thành Winnipeg. Trời chiều xanh xanh tới dáng quê xưa”.
Ca khúc làm rưng rưng nước mắt khán giả là Xác Em Nay Ở Phương Nào, do Erlinda Dương diễn tả vì cô này có người em mất xác đại dương trên đường vượt biển: “Biển lớn cuốn em đi, rồi xa rồi xa mãi, biển ơi trả cho ta, xác em yêu, xác em yêu…”.
Một nhạc phẩm bày tỏ lòng biết ơn sự chiến đấu của người lính Việt Nam Cộng Hòa đã chiến đấu để giữ gìn bầu trời tự do cho dân chúng Miền Nam trong 20 năm: “Anh là người lính Việt Nam Cộng Hòa. Dân Miền Nam mãi biết ơn các anh. Đêm ngày canh giữ bầu trời Tự Do. Đây bài ca nhớ các anh trai hùng”.
Bản hợp ca Cờ Vàng Bay Trên Thành Phố Ta Hôm Nay khép lại đêm nhạc: “Cờ theo anh vượt qua biển lớn, cờ theo cha đến miền đất mới, cờ tung bay trên những phố lưu vong xứ người”.
Đêm nhạc Sài Gòn Một Thoáng 50 Năm có vài nét đặc biệt. Cô Hoa hậu Áo Dài California năm 2025 Trần Lê Nguyên Minh đến từ San Jose, đại diện Tổ Chức Hoa Hậu Áo Dài- Miss Vietnam California lên sân khấu tặng hoa nhạc sĩ Trần Chí Phúc.

Thị trưởng thành phố Westminster là Nguyễn Mạnh Chí tặng bằng tưởng lục cho tác giả. Ca nhạc sĩ Trần Quốc Bảo gởi bảng lưu niệm quí tặng người nhạc sĩ sáng tác nhiều ca khúc Sài Gòn.
Ca sĩ Jocelyn Thanh Tâm sinh trưởng tại Hoa Kỳ hát quốc ca Mỹ. Cô này và cô Hoa hậu là 2 người trẻ cho nét sinh động đêm nhạc.
Đặc biệt cụ bà Đỗ Thị Hải Yến, 100 tuổi, thân mẫu của BS Phạm Hoàng Trung, ngồi thưởng thức cho đến cuối chương trình. Mười năm trước, trong đêm Sài Gòn Một Thoáng 40 Năm vào ngày 18-4-2015, cụ bà Hải Yến cũng được con trai đưa đến dự đêm nhạc năm xưa.
MC Phong Dinh, chất giọng Cần Thơ êm ái, giới thiệu ngắn gọn mà đầy đủ các bài hát. Tiếng đàn Tây Ban Cầm của Trần Chí Phúc và Nguyễn Đức Đạt hòa vào nhau, tạo âm sắc trữ tình cho không gian thính phòng âm nhạc. 19 ca khúc của Trần Chí Phúc, giai điệu dễ nghe, lời ca thắm thiết, đượm tình quê hương gợi lòng khán giả bồi hồi kỷ niệm 50 năm mất Sài Gòn.