Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH) mới đây cho biết vắc-xin ngừa dịch tả lợn của Châu Phi của Việt Nam cần phải có thêm thử nghiệm và công ty sản xuất cần cung cấp thêm đủ dữ liệu về loại vắc-xin này cho các cơ quan nghiên cứu của thế giới. Lời cảnh báo được đưa ra vào khi Việt Nam đang xúc tiến việc xuất khẩu các vắc-xin này ra thế giới.
Reuters hôm 5/12 cho biết, ông Gregorio Torres, người đứng đầu phòng nghiên cứu của WOAH đã thúc giục các nước quan tâm đến hai loại vắc-xin của Việt Nam thực hiện các thử nghiệm riêng trước khi phê duyệt chúng.
WOAH cũng cho biết Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam (AVAC Vietnam JSC), công ty sản xuất loại vắc-xin này, chưa cung cấp đủ dữ liệu cho các cơ quan nghiên cứu của quốc tế.
Việt Nam hồi tháng 7 vừa qua công bố việc lưu hành thương mại hai loại vắc-xin phòng dịch tả lợn châu Phi đầu tiên trên thế giới là NAVET ASFVAC và AVAC ASF LIVE. Đây là các loại vắc-xin được hai công ty Việt Nam sản xuất với sự giúp đỡ từ Mỹ.
Theo thông tin từ Chính phủ, đến tháng 7/2023, đã có hơn 650.000 liều vắc-xin được kiểm soát chất lượng đạt 100%. Vắc-xin AVAC ASF LIVE của Công ty cổ phần AVAC Việt Nam đã được sử dụng để tiêm cho các đàn lợn và đánh giá thận trọng tại Philippines. Cơ quan có thẩm quyền của Philippines đã công bố kết quả đánh giá vắc-xin đạt an toàn, 100% lợn được tiêm vắc-xin AVAC ASF LIVE có đáp ứng miễn dịch sinh kháng thể.
Reuters cho biết Philippines đã thử nghiệm 300.000 liều vắc-xin này. Tuy nhiên, Cơ quan Thực phẩm và Thuốc của Philippines chưa đưa ra bình luận gì với Reuters về thông tin mới này.
Vào tháng 10, vào khi AVAC chuẩn bị thông báo một thỏa thuận bán vắc-xin cho Philippines, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ và Myanmar thì WOAH lên tiếng cảnh báo về việc sử dụng các “vắc-xin dưới tiêu chuẩn”.
Người đại diện của WOAH cho biết thông báo về vắc-xin mới của Việt Nam đã dẫn đến cảnh báo này nhưng không nêu cụ thể vắc-xin nào.
AVAC cho biết vắc-xin của công ty không nguy hiểm và việc sử dụng vắc-xin rộng khắp sẽ chứng minh điều này. Tuy nhiên công ty không trả lời câu hỏi về việc công ty có chia sẻ dữ liệu cho các nhà nghiên cứu thế giới hay không. Người đại diện công ty này được Reuters trích lời cho biết vắc-xin đã được sử dụng an toàn ở 17 tỉnh của Việt Nam.
Người phát ngôn của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho Reuters biết các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện ra loại vắc-xin này và sau đó vắc-xin được sản xuất ở Việt Nam vì loại vi-rút này không có ở Mỹ. Phía Mỹ không tiếp cận các dữ liệu thử nghiệm vắc-xin của phía Việt Nam.
AVAC hiện đang sản xuất từ 2,5 đến năm triệu liều vắc-xin mỗi tháng và có kế hoạch xuất khẩu năm triệu liều, hiện đang chờ phê duyệt từ các quốc gia nhập khẩu nơi công ty đã ký hợp đồng, Reuters trích lời người đại diện AVAC cho biết.