Lễ Tưởng Niệm Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm

Bài và hình: THANH PHONG

LITTLE SAIGON.  Sau  buổi lễ Quốc Khánh VNCH  và Tưởng niệm cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm do Trung Tâm Văn Hóa Ngô Đình Diệm tổ chức  vào Chủ Nhật ngày 27.10.2024 tại  nhà hàng Diamond Seafood Palace 2, Garden Grove. Sáng Thứ Bảy ngày 2 tháng 11, 2024  Khối Tinh Thần Ngô Đình Diệm lại tổ chức Thánh Lễ Giỗ cố TT Gioan Baotixita Ngô Đình Diệm, bào đệ Giacobê Ngô Đình Nhu và linh hồn các Quân, Dân, Cán, Chính VNCH đã  hy sinh cho tổ quốc tại thánh đường Blessed Sacrament, Westminster. Ngày hôm sau lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật 03 tháng 11, 2024 một buổi lễ Tưởng Niệm vị Tổng Thống khai sáng nền Cộng  Hòa Việt Nam được long trọng tổ chức tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, thành phố Westmister.

Cho đến nay sau khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu bị thảm sát dã man đã hơn nửa thế kỷ, người Việt Quốc Gia, đặc biệt hàng triệu người miền Bắc di cư vào Nam năm 1954 vẫn không bao giờ quên ơn cố Tổng Thống, vì nếu không có ông, hàng triệu người miền Bắc sẽ không được hưởng tự do và cuộc sống ấm no tại miền Nam. Nếu không có ông, toàn dân miền Nam sẽ không có cuộc sống  ấm no, tự do, hạnh phúc trong suốt 9 năm do ông cầm quyền từ 1955 đến đầu tháng 11, 1963. Không có ông, Saigon sẽ không  được mệnh danh là “Hòn Ngọc Viễn Đông”. Do đó, riêng đối với người Công Giáo việc tham dự thánh lễ cầu nguyện cho linh hồ Gioan Baotixita Ngô Đình Diệm và Giacobê Ngô Đình Nhu cùng linh hồn các chiến sĩ, đồng bào đã hy sinh cho tự do và bảo vệ chủ quyền dân tộc là điều quan trọng hơn cả.

Thánh Lễ Cầu Hồn cho cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, bào đệ Ngô Đình Nhu và các Quân, Cán, Chính VNCH: đã hy sinh tổ chức tại thánh đường Westminster đúng vào Lễ Cầu Hồn hàng năm của Giáo Hội Công Giáo và cũng đúng vào ngày anh em cố Tổng  Thống Diệm bị bọn tướng phản loạn đảo chánh và thảm sát dã man. Thánh lễ do linh mục Anthony Vũ Tận Hiến, Quản xứ Blessed Sacrament chủ tế, Đức Ông Nguyễn Đức Minh, LM Nguyễn Văn Tuyên, LM Christopher Tuấn và hai Lm khác cùng đồng tế. Linh mục Nguyễn Văn Tuyên phụ trách bài giảng. Cuối thánh lễ, giáo sư Lê Tinh Thông thay mặt ban tổ chức cám ơn quý cha, đặc biệt quý cha xứ, quản xứ cộng đoàn Westminster và ông Đinh Văn Hào là Chủ Tịch, hàng năm đã cho phép Khối Tinh Thần Ngô Đình Diệm tổ chức Lễ Giỗ cho cố TT Diệm tại ngôi thánh đường này.

Quân, Dân, Cán Chính VNCH trong lễ Tưởng Niệm cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm

Lễ Tưởng Niệm Cố TT Ngô Đình Diệm Tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ:

Buổi lễ diễn ra thật trang trọng với nghi thức đón vị chủ tọa: Trung tá Không Quân Võ Ý, nguyên Phi Đoàn Trưởng Phi Đoàn 118 Bắc Đẩu, Sư Đoàn 6 Không Quân VNCH. Sau đó lễ rước  Quốc, Quân kỳ, lệnh kỳ Tổng Thống, và lễ chào cờ cùng phút mặc niệm. Lễ đặt vòng hoa với trên 20 vòng hoa của Liên Hội Cựu Chiến Sĩ, Khôi Tinh Thần Ngô Đình Diệm, Hội Bắc Kỳ Di Cư  cùng các hội đoàn quân đội và dân sự.

KQ Nguyễn Văn Chuyên và cô Diệu Quyên đài SBTN là hai người điều hợp chương trình thay phiên nhau giới thiệu thành phần tham dự: Về tôn giáo có LM Mai Khải Hoàn và Hội Đồng Liên Tôn. Về Quân Đội VNCH có Đại tá Lê Bá Khiếu, Đại tá Trần Minh Công, các Trung Tá Nguyễn Văn Ức, La Trinh Tường, Tôn Thất Lăng, Võ Ý, các Thiếu Tá Vũ Trọng Mục, Nhan Hữu Hậu, Phạm Quỳnh, Nguyễn Thanh Thủy, bà quả phụ Thiếu Tướng KQ Lê Trung Trực, Các vị Hội Trưởng và phái đoàn các Hội: Cựu Sinh Viên Sị Quan Trừ Bị Thủ Đức, Hội Võ Bị, Khu Hội Tù Nhân Chính Trị Nam Cali, Hội Lực Lượng Đặc Biệt, Trung Tâm Điều Hợp Tây nam Hoa Kỳ, Thiết Giáp,Thủy Quân lục Chiến, Cảnh Sát Quốc Gia, Không Quân, Hải Quân, Biệt Động Quân, Gia Đình Mũ Đỏ, Nha Kỹ Thuật, Thiếu Sinh Quân, Quân trường Đồng Đế, Tổng Hội Nữ Quân Nhân, Hội Sư Đoàn 5 Bộ Binh. Về dân sự có 22 Hội Đoàn tham dự cùng đông đảo phóng viên báo chí, truyền hình.

Trong buổi lễ có ba bài phát biểu được mọi người hết lời khen ngợi vì đã nói lên được tinh thần yêu nước, khí phách anh hùng của cố TT Diệm  “Uy vũ bất năng khuất”, nhất là tinh thần đạo đức,  yêu nước thương dân của một tín hữu Công Giáo nhiệt thành. Đề cao thuyết Nhân Vị. Trong lời phát biểu của vị chủ tọa, Trung tá KQ Võ Ý nêu bật mấy điểm quan trọng như Ban hành Hiến Pháp, đổi tên Quốc Gia Việt Nam thành Việt Nam Cộng Hòa, Định cư  hơn một triệu người Bắc di cư vào miền Nam, Xây dựng Đập Thủy Điện Đa Nhim, nhà máy xi măng Hà Tiên,  xưởng dệt Vinatexco, Mở hai Viện Đại Học tại Huế và Đà Lạt, đặt viên đá đầu tiên xây cất trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, một quân trường đào tạo sĩ quan lớn nhất Đông Nam Á thời bấy giờ, và còn rất nhiều công trình to lớn khác cho miền Nam Việt Nam “Nhưng oan nghiệt thay, ngày 2 tháng 11, 1963, TT Ngô Đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu đã bị sát hại trong cuộc đảo chánh. Nền Đệ Nhất Cộng Hòa cáo chung, nền Đệ Nhị Cộng Hòa tiếp nối, nhưng không thanh bình, thịnh trị như trước vì chính sự và chiến sự đầy nhiễu nhương…..”

Thánh Lễ Cầu cho cố TT Ngô Đình Diệm tại nhà thờ Westminster

Diễn Văn  Khai Mạc của ông Nguyễn Văn Liêm, Trưởng Ban Tổ Chức Lễ Tưởng Niệm:

Kính thưa quý vị,

Chúng tôi hân hoan chào mừng toàn thể quý vị đã đến đây tham dự Lễ Tưởng Niệm Tổng Thống Ngô Đình Diệm hôm nay.Xin cảm tạ quý vị đã cố gắng sắp đặt thì giờ đến đây, trong khi đang hồi hộp chờ đợi cuộc bầu cử mang tính lịch sử trong vài chục tiếng đồng hồ nữa, quyết định cho tương lai của quốc gia Hoa Kỳ, sự chờ đợi trong hy vọng. Hy vọng tươi sáng của một đất nước hùng mạnh, vĩ đại và xinh đẹp, quê hương thứ hai của chúng ta, là ngọn hải đăng cho Tự Do của thế giới trên mặt địa cầu. Nhưng cũng ngày này 61 năm về trước, tin tức từ một đất nước xa xôi nhỏ bé Việt Nam làm bàng hoàng cả Hoa Kỳ và thế giới. Đó là tin Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm và bào đệ cố vấn Ngô Đình Nhu đã bị thảm sát!

Khác với bầu trời chan hòa ánh sáng như hôm nay nơi đây, mây đen che kín cả bầu trời Việt Nam lúc ấy, không phải chỉ để tang người Chiến sĩ Tiên khởi của Tự Do đã gục ngã, nhưng là dấu hiệu tang thương của một thập kỷ sau đó, thành trì chống cộng của Đông Nam Á bị xóa nhòa trên bản đồ thế giới. Thật là oan nghiệt cho dân tộc chúng ta! Trở lại lịch sử thuở ban đầu khi chuẩn bị thành lập Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa vào cuối tháng Tư năm 1955, cuối cùng là ngày 30 tháng Tư, cũng là ngày 30 Tháng Tư, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm, với sự dũng lược và cảm thức chính trị bén nhậy, đã phá vỡ được âm mưu của Pháp muốn nắm lại thuộc địa cũ, đã kết hợp với Washington định lật đổ và áp đặt Việt Nam theo một mô hình khác, chịu ảnh hưởng và lệ thuộc vào họ, vì lúc ấy Pháp vẫn còn quân đội mạnh mẽ ở Saigon. Nhờ vào lòng yêu nước, can đảm và quyết liệt can trường, nên ông đã lèo lái, chéo chống con thuyền quốc gia vượt qua giai đoạn đầy sóng gió, nguy nan của quê hương. Và sáu tháng sau đó, ngày 26 tháng 10 năm 1955, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm tuyên bố thành lập nước Việt Nam Cộng Hòa, bắt đầu một kỷ nguyên mới cho dân tộc. Và với ánh sáng rực rỡ của tự do, chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm, Tổng Thống tiên khởi của Việt Nam đã xây dựng đất nước tiến bộ vượt bực về mọi phương diện, khiến thế giới hết sức ngưỡng phục.

Nhưng thân phận nhỏ bé nghiệt ngã của dân tộc chúng ta, chỉ giữ được nền Cộng Hòa non trẻ có 20 năm. Tuy thế, 20 năm của VNCH ngắn ngủi, nhưng là nền móng xây dựng tự do, mà giá trị và tinh thần tự do thì tồn tại muôn thuở nơi con người Việt Nam. TT Ngô Đình Diệm nằm xuống và gia sản lớn lao nhất mà Tổng Thống để lại là tinh thần độc lập, tự do, bảo vệ chủ quyền quốc gia, xây dựng đời sống ấm no cho đồng bào.

Xin thắp một nén hương lòng tưởng nhớ vị Tổng Thống đã khai sinh nền Cộng Hòa Việt Nam, và mỗi năn, ngày tưởng niệm TT Ngô Đình Diệm không dừng lại ở sự nuối tiếc, đớn đau trước nỗi bất hạnh của dân tộc. Nhưng  khơi gợi và làm sống lại tinh thần Ngô Đình Diệm là thúc đẩy dân chủ, độc lập tự do, bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ cho những thế hệ Việt Nam hôm nay. ..”

Vòng hoa của Hội Tây Sơn Bình Định trong Lễ Tưởng niệm tại Tượng đài Việt Mỹ

Trong phần cảm tạ trước khi bế mạc, giáo sư Lê Tinh Thông (Khối Tinh Thần Ngô Đình Diệm) thay mặt ban tổ chức có bài phát biểu rất hùng hồn và xúc động về cố  Tổng Thống Ngô Đình Diệm, một người công dân yêu nước, thương dân, một tín hữu Công giáo sống Đức Tin, dù bận công việc đến đâu ông cũng không bỏ tham dự thánh lễ hàng ngày. Ông đã đối xử công bằng với tất cả các tôn giáo, đặc biệt với Phật giáo, Tổng Thống Ngô Đình Diệm khi nhận được giải thưởng Leadership Magsaysay (giải thưởng cho người lãnh đạo xuất sắc nhất Á Châ) với tiền thưởng 10,000 Mỹ kim lúc bấy giờ, Tổng Thống đã tặng hết cho Đức Đạt Lai Lạt Ma, Tổng Thống Diệm cũng trao tiền cho ông Mai Thọ Truyền, một nhân sĩ Phật giáo  để giúp xây cất chùa Xá Lợi, chùa Nam Thiên Nhất Trụ của  Hòa Thượng Thích Trí Dũng. Khu đất xây chùa Vĩnh Nghiêm, Tổng Thống đã chấp thuận bán cho nhà chùa với giá tượng trưng một đồng bạc.  Trong thời gian xẩy ra đảo chánh từ tháng 5/1963, các ông Quách Tòng Đức, Lê Châu Lộc, Nguyễn Thành Cung, Võ Văn Hải, Trần Sử..đều là những Phật tử thuần thành trong bộ tham mưu của Tổng Thống . Nhưng Tổng Thống Diệm  vẫn bị  đổ oan cho tội “Đàn áp Phật Giáo, tội Gia đình trị”. Nghị sĩ Lê Châu Lộc là tín đồ Phật Giáo đã nhiều lần xác nhận điều này và công khai tuyên bố Tổng Thống Ngô Đình Diệm không hề đàn áp Phật Giáo. Một phái đoàn điều tra của Liên Hiệp Quốc mà trong đó đa số thành viên theo Phật giáo, sau khi đến nhiều ngôi chùa tại Việt Nam điều tra đã  công bố “Không có bằng chứng nào cho thấy Tổng Thống Ngô Đình Diệm đàn áp Phật Giáo”. Sau phần trình diễn ca nhạc đấu tranh của Ban Tù Ca Xuân Điềm, Buổi Lễ Tưởng Niệm cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, bào đệ Ngô Đình Nhu  và các Quân, Dân, Cán, Chính VNCH đã hy sinh kết thúc tốt đẹp vào buổi trưa cùng ngày./.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *