Đồng Hương & Thân Hữu Quảng Ngãi Họp Mặt Hè 2024

=== Bài và hình: THANH PHONG ===

GARDEN GROVE. Hàng năm Hội Đồng Hương và thân hữu Quảng Ngãi tại Nam California có hai lần họp mặt, một lần vào Tất Niên hoặc Tân Niên và một lần vào dịp Hè . Trong buổi họp mặt Hè năm nay được tổ chức tại Thư Viện Việt Nam ở thành phố Garden Grove vào trưa Chủ Nhật ngày 28.7.2024.

Ông Võ Thành Chương, Hội Trưởng Hội Đồng Hương Quảng Ngãi phát biểu khai mạc buổi họp mặt, ông nói: “…Những lần trước,  khi  các thế hệ trẻ còn thì chúng ta thường họp mặt Hè để phát thưởng khuyến học cho các em, giờ thế hệ đó lớn hết rồi thành ra  cái thông lệ phát thưởng và khuyến học không còn nữa, bây giờ chúng ta dùng thời gian này để mà thắt chặt cái tình thân hữu của đồng hương, chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống, chia sẻ những kinh nghiệm và ôn lại những chuyện cũ ngày xưa rất quý báu vì thời gian chúng ta gặp nhau rất ít, mỗi năm chỉ một hai lần, mà những người lớn tuổi vì lý do sức khỏe, tuổi tác cũng không thể đến với nhau như những năm trước nữa…”, và đúng như lời ông Hội Trưởng nói, đến tham dự buổi họp mặt Hè hôm nay hầu hết là những đồng hương và thân hữu Quảng Ngãi đều thuộc trung niên và cao niên, không có một em thiếu nhi, thiếu niên nào hiện diện.

Ông Võ Thành Chương, Hội Trưởng Quảng Ngãi  liên tiếp 2 nhiệm kỳ phát biểu khai mạc

 

Sau nghi thức khai mạc và lời chào mừng của ông Hội Trưởng Võ Thành Chương, cô Thúy Kiệt giới thiệu các vị mạnh thường quân đóng góp tài chánh cho buổi họp mặt. Sau đó, ông Hội Trưởng giới thiệu võ sư Phillip Phước Nguyễn, một đồng hương Quảng Ngãi ra tranh cử vào Hội Đồng Thành Phố Garden Grove, Địa Hạt 2. Võ sư Phillip Phước nói lời cám ơn và  xin đồng hương Quảng Ngãi ủng hộ ông vào chức vụ Nghị viên HĐTP Garden Grove trong cuộc bầu cử sắp tới. Sau đó, mọi người cùng nâng chén chúc mừng nhau, cùng thưởng thức chương trình văn nghệ cây nhà lá vườn do anh Bảo phụ trách. Đặc biệt hầu hết các bản nhạc khi ca sĩ vừa cất tiếng hát, một số người đã ra sàn nhảy, nhiều người cao tuổi như bà Lệ Giang (Hội Trưởng Hội Bà Triệu) và phu quân đều có những bước nhẩy uyển chuyển, lả lướt và tình tứ; và như lời ông Hội Trưởng, chương trình chỉ nhắm mục đích gặp gỡ, hàn huyên và vui chơi cho đến khoảng 4 giờ chiều mới chia tay.

Quê hương Việt Nam chúng ta có một số  nơi được mệnh danh là “Địa Linh Nhân kiệt”. Quảng Ngãi là một trong  những vinh dự này. Quảng Ngãi không những mang danh là “Quê hương Núi Ấn sông Trà”, mà còn là nơi đã sản sinh  rất nhiều nhân tài cho đất nước. Tác giả Nguyên Dung trong bài “Quảng Ngãi Quê Tôi” viết: “..Quê tôi có cây cầu Trà Khúc bắc qua  con sông Trà, chiều chiều ba tôi hay chở anh em chúng tôi ra sống để bơi lội….Bên kia sông là ngọn núi Thiên Ấn, trên đỉnh núi là một ngôi chùa cổ kính cùng tên được xây dựng hàng mấy trăm năm trước….vì thế Quảng Ngãi được mệnh danh là quê hương “Núi Ấn Sông Trà. Ông Nguyễn Đức Nhuận, một nhà văn nổi tiếng của Quảng Ngãi trong cuốn  Quảng Ngãi Quê Hương Thân Yêu, ông khẳng định “Người Quảng Ngãi đi đâu cũng nhớ về  miền Núi Ấn sông Trà quê cha đất Tổ và dù ở đâu vẫn giữ bản chất “Quảng Ngãi hay co”, luôn nghĩ đến quyền lợi của tập thể cộng đồng, không chịu khuất phục trước bất cứ hành vi bất công nào.

Cũng trong cuốn sách trên, tác giả Đào Đức Nhuận ghi lại một số nhận xét về Con Người Quảng Ngãi: Trong Đại Nam Nhất Thống Chí các sứ thần triều Nguyễn là Cao Xuân Đức, Lưu Đức Xứng và Trần Xán đã ghi: “Quảng Ngãi đất xấu, dân nghèo, tính tình kiệm ước. Địa thế tuy hẹp mà khí mạch rất hậu nên đời nào cũng sản xuất hạng danh thần, nhiều người trường thọ, nhiều sĩ phu đĩnh ngộ, tuấn tú”. Trong Đặc San Quảng Ngãi Mến Yêu xuất bản năm 2006, ông Phạm Đông Văn, người Quảng Ngãi nêu hai bài Tình Ca về Quảng Ngãi được phổ nhạc, bài thứ nhất có tựa đề “Tình Quê Hương” của Phan Lạc Tuyên sáng tác tại Sa Huỳnh, Đức Phổ được nhạc sĩ Đan Thọ phổ nhạc. Nhạc phẩm thứ hai là  “Thương Về Quảng Ngãi” do Anh Đỗ phổ nhạc bài thơ của Văn Quang. Cả hai nhạc phẩm trên đến nay vẫn còn được người dân Quảng Ngãi thích thú nghe qua những giọng ca quen thuộc.” Tác giả Chân Như trong bài viết Đường Đi Ven Biển nêu nhận xét: “Người Bình Định khéo, người Phan Thiết thực, người Nha Trang nhã, nhưng người Quảng Ngãi thì lại đảm hơn tất cả”. Nhà biên khảo Phạm Trung Việt trong tác phẩm Non Nước Xứ Quảng đã viết: “Người địa phương có cá tính riêng, cứng cỏi, co cượng “Quảng Ngãi hay co” (co cượng, lý sự, ưa tìm sự thật, cần biết xử lý) mẫu người lý tưởng phần lớn đều có tinh thần quốc gia cực đoan..Phần đông sống cần kiệm, đảm đang nhẫn nại trong cuộc sống hằng ngày, họ ưa giữ khí tiết nhưng không kém phần khoáng đạt (nhất là giới có học thức) một khi đã chọn lý tưởng”.

Anh Bảo phụ trách văn nghệ là tiết mục chiếm gần trọn thời gian trong buổi họp mặt Hè 2024

Quê hương Núi Ấn sông Trà xứng đáng được gọi là vùng đất “Địa Linh Nhân Kiệt” vì đã sản sinh nhiều nhân tài cho đất nước, cụ thể như Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt, ông Nguyễn Bá Nghi, ông Lê Tựu Khiết (Lê Khiết);  ông già Ba Tri; nữ tướng Nguyễn Thị Dung, nữ tướng Huỳnh Thị Cúc,  ông Trương Đăng Quế (Phụ Chính Đại thần, Cần Chánh Điện  Đại Học Sĩ dưới thời Minh Mạng), ông Võ Duy Ninh vị chỉ huy quân sự cao cấp đầu tiên của Việt Nam đã tuẫn tiết khi thành bị mất vào tay giặc Pháp. Ông Trương Công Định quyết không nghị hòa với quân Pháp xâm lược khi triều đình kêu gọi bãi binh, ông nói: “Triều đình nghị hòa thì cứ nghị hoa, còn việc của Định thì Định cứ làm, Định thà đắc tội với triều đình chứ không nỡ ngồi nhìn giang sơn này chìm đắm” Ôi! Còn tấm lòng vì dân vì nước nào cao cả hơn nữa chăng?. Về văn chương chữ nghĩa  có những người nổi bật như bà  Tô Thị Thân phu nhân ông  Nguyễn Đức Nhuận, cả hai làm báo với bút danh Bút Trà, nhà văn Đào Đức Nhuận, nhà văn Nguyễn Đức Lập, Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích, nhà thơ Nguyễn Vỹ, Trần Anh Lan… Về tổ chức lãnh đạo hội đoàn có Đại tá Lê Bá Khiếu, ông  Đỗ Phú Nhật Tảo, bà Nguyễn Thị Đường, các ông Nguyễn Hữu Thời, Lê Địch Hữu, Trần Đường, Phạm Đông Văn, Võ Thành Chương, Julie Hạnh Nguyễn, Lệ Giang Phan Thị Chín …và còn rất nhiều danh nhân và các vị lãnh đạo khác không thể kể hết được.. Ngoài ra,  người dân Quảng Ngãi còn sáng chế ra hệ thống guồng xe nước 10, 12 bánh đem nước sông đổ vào những kênh mương lớn, nhỏ tạo nên một hệ thống dẫn thủy nhập điền rất quy mô và hữu hiệu cung cấp nước cho ruộng đồng các quận miền trung du luôn xanh tốt. Quảng Ngãi lại là nơi  trồng mía và có nhà máy đường nổi tiếng nhất Việt Nam, sán xuất ra đường phổi, đường phèn mà không nhà máy đường nào làm được, chứng tỏ người dân Quảng Ngãi có đầu óc sáng tạo, luôn làm rạng danh quê hương Núi Ấn sông Trà dù đang sống ở bất cứ nơi đâu./.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *