Đảng Tân Đại Việt Tổ Chức Tưởng Niệm Lần Thứ 34 Cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy

=== Bài và hình: THANH PHONG ===

WESTMINSTER. Trưa Chủ Nhật ngày 28 tháng 7, 2024 Đảng Tân Đại Việt do ông  Hoàng Đình Khuê làm Chủ Tịch đã long trọng tổ chức Lễ Tưởng Niệm lần thứ 34 cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy tại hội trường thành phố Westminster, Nam California.

Ngoài các đảng viên Đảng Tân Đại Việt và thân hữu tại Nam California còn có khá đông các đảng viên về từ nhiều địa phương tại Hoa Kỳ và Canada, Australia. Đặc biệt có Giáo sư Stephen B. Young, tác giả cuốn sách Kissinger’s Betrayal, Giáo sư Lê Văn Khoa và phu nhân Ngọc Hà; GS Trần Huy Bích, GS Dương Ngọc Sum, sử gia Phạm Trần Anh, ông Phan Thanh Châu, Dân biểu Tạ Đức Trí, cựu Nghị sĩ Ngô Thanh Hải (Canada); cựu Đại tá Lê Bá Khiếu và phu nhân, bà Frances Nguyễn Thế Thủy (Chủ Tịch Học Khu Westminster), ông Trần Bạch Thu (QGHC), cô Kim Ngân (Giám Đốc Viện Việt Học), nhà văn Việt Hải và đặc biệt có cô Thúy Tần, Trưởng nữ của GS Nguyễn Ngọc Huy. Buổi Lễ Tưởng Niệm do cô Mộng Thủy và ông Lê Văn điều hợp chương trình.

Ông  Hoàng Đình Khuê phát biểu khai mạc

Khởi đầu bằng nghi thức chào quốc kỳ Quốc gia Việt Nam và quốc kỳ Hoa Kỳ. Sau đó mọi người dành phút Mặc Niệm, tưởng nhớ công ơn tiền nhân, anh hùng liệt nữ đã vị quốc vong thân, và đặc biệt tưởng niệm cố giáo sư Nguyễn Ngọc Huy và các đảng viên Đảng Tân Đại Việt đã  hy sinh cho tổ quốc. Sau phút mặc niệm,  nhạc phẩm “Việt Nam Minh Châu Trời Đông” là Đảng ca được các đảng viên cất cao tiếng hát. Kế đến, ông Hoàng Đình Khuê, Chủ Tịch Đảng Tân Đại Việt ngỏ lời chào mừng và cám ơn sự hiện diện của quan khách, thân hữu, đại diện các cơ quan truyền thông và các đảng viên  Đảng Tân Đại Việt, ông Hoàng Đình Khuê trong dịp này cũng nêu bật những quan điểm và tấm lòng yêu nước của cố GS Nguyễn Ngọc Huy đã hiến trọn đời cho Chủ Nghĩa Sinh Tồn với mục tiêu của Đảng là xây dựng miền Nam Việt Nam theo chế độ Dân chủ Pháp trị .

Sau đó, cô Mộng Thủy (MC) phát biểu, cô cho biết khi GS Nguyễn Ngọc Huy thành lập Đảng Tân Đại Việt  cô còn quá nhỏ nên không hiểu gì nhưng sau này, qua các tài liệu và qua các buổi sinh hoạt của Đảng Tân Đại Việt, cô đã hiểu và nêu lên những dấu ấn đặc biệt không thể phai mờ đối với cố GS Nguyễn Ngọc Huy. Cựu Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải (Canada) đại diện Liên Minh Dân Chủ Việt Nam, ông Trần Bạch Đằng đại diện Quốc Gia Hành Chánh được mời phát biểu. Tiếp theo là lời cám ơn của cô Thúy Tần, Trưởng nữ của GS Nguyễn Ngọc Huy gửi đến ông Hoàng Đình Khuê, Ban Tổ Chức , quan khách và các Đảng viên Đảng Tân Đại Việt đã tổ chức Lễ Tưởng Niệm thật trang trọng và ý nghĩa cho thân phụ cô. Sau đó là nghi thức thắp hương trước bàn thờ cố GS Nguyễn Ngọc Huy.  Cuối chương trình là phần giới thiệu tiểu sử GS Stephen Young (tên Việt là Trần Quang Tuấn) Gs thông thạo tiếng Việt, ông đã nói về cuốn sách Kissinger’s Betrayal (Sự phản bội của Kissinger) viết về sự phản bội của ngoại trưởng Hoa Kỳ Kissinger đối với Việt Nam Cộng Hòa, góp phần làm Việt Nam Cộng Hòa rơi vào tay Cộng sản Bắc Việt.

G.S Stephen B Young một người rất kính trọng và ngưỡng mộ GS Nguyễn Ngọc Huy, GS Stephen Young đã trình bày sự phản bội VNCH của Ngoại Trưởng Kissinger trong cuốn sách “Kissinger’s Betrayal được viết bằng hai thứ tiếng Anh – Việt.

 

Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy sinh ngày 2 tháng 11 năm 1824 tại Chợ Lớn, quê quán tại Tân Uyên, Biên Hòa cựu học sinh Petrus Ký Saigon, tốt nghiệp Đại học Luật Khoa và Khoa Học Kinh tế Paris, Viện Nghiên Cứu Chính Trị Paris, Cử Nhân Luật Khoa, Cao Học Chính Trị, Tiến Sĩ Chính Trị Học. Giáo sư dạy tại Học Viện Quốc Gia Hành Chánh Saigon và các Viện  Đại Học Đà Lạt, Huế, Cần Thơ, Vạn Hạnh, Minh Đức, Đại học Sư Phạm Saigon, giảng viên trường Cao Đẳng Quốc Phòng, trường Chỉ Huy Tham Mưu Cao Cấp, Trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị. Năm 1967 ông được mời làm Khoa Trưởng Trường Đại Học Luật Khoa và Khoa Học Cần Thơ. Là một học giả uyên bác, GS Nguyễn Ngọc Huy đã cho ra đời những sáng tác nổi tiếng qua bút hiệu Đằng Phương như: Anh Hùng Vô Danh, Ngày Tang Yên Báy, Dòng Nước Sông Hồng, Lời Sông Núi, Anh Hùng Đất Việt …và nhiều tác phẩm khác.

Hợp ca Minh Châu Trời Đông, bản Đảng ca của Đảng Tân Đại Việt

 

Đầu năm 1945 ông gia nhập Việt Nam Quốc Dân Đảng của Đảng Trưởng Trương Tử Anh. Sau đó gia nhập Đại Việt Quốc Dân Đảng. Năm 1955 lưu vong qua Pháp. Năm 1963 trở về nước vận động thay đổi Đại Việt Quốc Dân Đảng từ hoạt động bí mật trở thành đảng chính trị hoạt động công khai. Ngày 14.11.1964 tách khỏi Đảng Đại Việt thành lập Đảng Tân Đại Việt. Năm 1969 – 1975 Thành lập Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến (PTQGCT). GS Nguyễn Văn Bông làm Chủ Tịch đoàn, GS Nguyễn Ngọc Huy là Tổng Thư Ký Ban Chấp Hành. Mục đích của PTQGCT là xây dựng nền Dân chủ Pháp trị cho miền Nam, chống Cộng sản để giữ miền Nam tự do. Năm 1982 – 1990  GS Nguyễn Ngọc Huy vận động các chính khách, tướng lãnh, Dân biểu, Nghị sĩ tại Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Bỉ, Hòa Lan, Úc, Canada thành lập được  Ủy Ban Quốc Tế Yểm Trợ Việt Nam Tự Do nhằm ủng hộ cuộc tranh đấu của Liên Minh Dân Chủ Việt Nam. Trong khi Ủy Ban Quốc Tế Yểm Trợ Việt Nam Tự Do phát triển mạnh thì ngày 28 tháng 7 năm 1990 GS Nguyễn Ngọc Huy ngã quỵ vì bệnh nặng và trút hơi thở cuối cùng sau 45 năm tranh đấu không ngừng nghỉ. Sự ra đi của GS Nguyễn Ngọc Huy là mất mát lớn cho Đảng Tân Đại Việt vì sau khi GS Huy mất, không ai có đủ uy tín và tài lãnh đạo nên từ Đảng Tân Đại Việt đến Liên Minh Dân Chủ Việt Nam và Ủy Ban Quốc Tế Yểm Trợ Việt Nam Tự Do mọi phát triển đều bị chậm lại. Sau khi hay tin GS Huy qua đời, Tổng Thống George Bush và phu nhân (Bush cha) đã chia buồn và ca ngợi :”Giáo sư Huy là một nhân vật tận tụy cho dân tộc Việt và dân tộc Mỹ với tấm gương sáng cho thế hệ mai sau”. Dân biểu David Kilgour, Chủ Tịch Ủy Ban Quốc Tế Yểm Trợ Việt Nam Tự Do sau này là Phó Chủ Tịch Quốc Hội Canada đã so sánh GS Nguyễn Ngọc Huy là “Ghandi của Việt Nam”. GS Stephen Young, Khoa Trưởng Đại Học Luật Khoa Hamline tại Minnesota rất ngưỡng mộ và thường kính phục GS Nguyễn Ngọc Huy là người Thầy khả kính “ GS Nguyễn Ngọc Huy là một trong những chính trị gia và tư tưởng gia sáng tạo đóng góp nhiều nhất của Người Quốc Gia Việt Nam”./.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *