Bài và hình: THANH PHONG
WESTMINSTER. Bà Nguyễn Thị Mỹ Hường (Hội Cựu Học Sinh Pleiku) và ông Lê Anh Dũng (cựu sĩ quan Tiểu Khu Pleiku) là hai trong số những người sống sót trong cuộc di tản trên tỉnh lộ 7 B nối Pleiku-Phú Bổn-Tuy Hòa hàng năm đã đứng ra tổ chức buổi “Thắp Hương Tưởng Niệm” tất cả Quân, Dân, Cán, Chính đã bỏ mình trên đường di tản. Năm nay buổi Tưởng Niệm diễn ra đúng vào ngày 17 tháng 3, 2024 tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ ở thành phố Westminster, Nam California, tuy đơn giản nhưng thật bùi ngùi, xúc động thể hiện tấm lòng tiếc thương, mãi mãi không quên của những người còn sống đối với những đồng bào kém may mắn trên đường vượt thoát vào ngày 17.3.1975.
Trước Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, một bàn thờ đơn sơ được thiết lập với lư hương, hoa đèn. Nhà văn Lê Anh Dũng (Lê Tâm Anh) trong chiếc áo thụng xanh mời quý niên trưởng, quý chiến hữu và mọi người có mặt đứng thành hàng ngang trước tượng đài. Sau lời chào mừng và cám ơn sự hiện diện của mọi người, ông nói: “Hàng năm đến ngày 17 tháng 3 chúng ta tụ họp nhau nơi đây để nhớ đến cuộc di tản buồn và nghiệt ngã trên tỉnh lộ 7 nối Pleiku – Phú Bổn và Tuy Hòa. Cuộc di tản đã khiến hàng ngàn Quân, Cán, Chính và đồng bào vô tội chết thảm trên đường rút lui, chết tại khu Sông Ba, Phú Bổn. Chúng ta đến đây để thắp nén hương tưởng nhớ, cầu nguyện cho những oan hồn vất vưởng trên Tỉnh lộ 7B được siêu thoát.
Bác sĩ Nguyễn Chí Vỹ và ba niên trưởng trong QL/VNCH dâng hương
Sau lời phát biểu trên, mọi người trang nghiêm cử hành lễ chào cờ VNCH và Hoa Kỳ do phi công Tom Võ điều khiển. Sau đó, ông Lê Tâm Anh mời các niên trưởng Võ Ý, Vũ Trọng Mục, Bác sĩ Nguyễn Chí Vỹ và Thiếu tá Nguyễn Thắng lên dâng hương trước bàn thờ. Trong lúc dâng hương, ông Lê Anh Dũng đọc bài Văn Tế do cựu Trung tá Võ Ý, Phi Đoàn Trường Phi đoàn Bắc Đẩu soạn. Sau phần đầu nhắc lại lệnh bỏ Tây nguyên theo tỉnh lộ 7B rút về duyên hải bất chấp đạn pháo địch say máu đuổi theo khiến bao sinh linh thịt nát xương tan, cuối bài Văn Tế viết: “ Thôi thì, sống gửi thác về. Xin liệt vị đời đời an nghỉ nơi đất trời Tây nguyên hùng vĩ nước nhược non bồng – Thôi thì, sống khôn thác thiêng, Xin liệt vị độ trì chúng tôi biết yêu thương, hỉ xả nơi xứ lạ quê người – Và hun đúc tâm can chúng tôi đủ bền gan tin tưởng – để có một ngày cùng toàn dân vùng lên – dựng lại ngọn Cờ Vàng Đại Nghĩa trên núi cũ sông xưa – Từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau khắp biển trời hải đảo – Trường Sa, Hoàng Sa là máu thịt của ta từ bao đời tiền nhân tạo dựng……Hôm nay, ngày 17 tháng 3 năm 2024 – Tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ California – Lễ bạc dâng lên có hoa quả hương đèn – Quân Dân Cán Chính một dạ chí thành – Kính xin chư anh linh liệt vị về đây thượng hưởng. Kính bái.
Ông Lê Anh Dũng đọc bài Văn Tế do cựu Trung Tá Võ Ý soạn.
Tiếp đến, ban tổ chức mời quý niên trưởng: Võ Ý, Vũ Trọng Mục, bà Lê Ngọc Anh lên chia sẻ nỗi đau thương, mất mát người thân trong cuộc di tản. Những lời tâm tình, chia sẻ của các vị trên khiến nhiều người không cầm được nước mắt. Như lời ông Lê Anh Dũng cho biết, sau khi mất Banmethuột, Quân Đoàn II được lệnh phải bỏ Pleiku di tản về bảo vệ vùng duyên hải. Tỉnh lộ 7B từ rất lâu không được xử dụng, nay chỉ còn con đường duy nhất này để từ Pleiku về Phú Bổn, Tuy Hòa. Theo ông, cuộc di tản chỉ dành cho Quân, Cán, Chính mà thôi, nhưng khi lệnh ban ra, vợ con lính và nói chung người dân Pleiku đi theo đoàn quân rất đông để hòng thoát khỏi tay Việt Cộng. Quân Cộng Sản Bắc Việt đuổi theo đoàn người di tản và pháo bừa bãi dọc lộ trình khiến không biết bao nhiêu người gục ngã, lúc đó các quân nhân bận lo cho vợ con, nhiều người mất vợ, lìa con nên còn tinh thần đâu mà chiến đấu, cho nên cuộc lui binh nào cũng vô cùng khó khăn, không tính toán, không có binh pháp, kế hoạch chu đáo thì thiệt hại không thể nào lường trước được.
Mọi người trang nghiêm cử hành lễ chào cờ và mặc niệm.
Chị Lê Ngọc Anh kể, khi bị Việt cộng pháo kích, nhiều em nhỏ chạy tán loạn, có một số em chạy lạc vào buôn người Thượng, và họ giữ lại nuôi bây giờ thành người Thượng luôn, đâu biết bố mẹ ở đâu, có khi đã chết, có khi đã không còn trên mảnh đất quê hương! Ngoài những vị lên cạnh bàn thờ chia sẻ nỗi đau thương, đứng phía dưới, bác sĩ Nguyễn Chí Vỹ (Hội Trưởng Hội Tây Sơn Bình Định) chia sẻ với chúng tôi mấy mẫu chuyện đáng nhớ lúc ông mới ra trường bác sĩ được về phục vụ tại Quân Y Viện Qui Nhơn, rồi Pleiku. Trong thời gian đó chiến sự vô cùng ác liệt, thương bệnh binh quá đông mà chỉ còn ông và vài y tá lo chữa trị, nên ông chỉ mổ đầu, ngực còn tay chân anh chị em Y Tá lo, câu chuyện thứ hai, ông gặp một phi công VNCH bị thương gẫy cổ, ông đã giải phẫu cứu anh và người phi công đó chắp tay lạy khiên ông hết sức xúc động, và trong lúc đang chữa trị cho thương bệnh binh, Việt cộng pháo kích, bụi đất mù mịt tung tóe trên đầu ông, các y tá nằm xuống hết, còn ông, mới ra trường đâu có kinh nghiệm chiến sự nên cứ đứng tỉnh bơ. Mấy người y ta hỏi “Sao ông gan thế?”, nhưng thật sự có gan gì đâu mà là không có kinh nghiệm. Bác sĩ Nguyễn Chí Vỹ tin rằng ông được Ơn Trên thương nên đã sống sót trong cuộc chiến tại vùng lửa đạn vô cùng ác liệt.
Tất cả những lời chia sẻ của các vị trên phải viết thành sách mới nói hết nỗi đau thương, nghiệt ngã của cuộc chiến, của sự tàn ác, dã man của những người Cộng Sản.
Các vị có mặt đều lần lượt lên thắp hương tưởng niệm các Quân, Dân, Cán, Chính và đồng bào chết thảm trong cuộc di tản trên tỉnh lộ 7B ngày 17.3.1975.
Trong số những người tham dự buổi dâng hương Tưởng Niệm Quân, Dân, Cán, Chính tử nạn trên Tỉnh lộ 7B có cô Nguyễn Trâm Anh, một bác sĩ trẻ con của ông bà Nguyễn Thế Thăng, nguyên là Trưởng Ty An Ninh Quân Đội tại vùng II. Chúng tôi phỏng vấn và được cô Trâm Anh cho biết, cô sinh năm 1989 nên khi cuộc di tản trên tỉnh lộ 7 cô chưa ra đời, nhưng mới hôm qua được bố mẹ cô kể lại, cô rất buồn, cả nhà cùng khóc; rất tội nghiệp cho những người đã chết một cách thảm thương, nhiều người đúng là thịt nát xương tan, nên hôm nay cô từ Sacramento về thăm bố mẹ tại Orange County và theo bố mẹ ra đây thắp hương cho những người đã khuất. Cô Trâm Anh nói, tuy buồn nhưng cháu cũng cảm thấy có mội nỗi vui; đó là tình đoàn kết và tấm lòng đoàn kết của cộng đồng đã nghĩ đến người đã cùng mình di tản và chẳng may chết thảm; cháu mong rằng mỗi năm sự kiện này vẫn được tái diễn.
Ông bà Nguyễn Thế Thăng và ái nữ Nguyễn Trâm Anh
Mặc dù buổi tổ chức rất đơn giản chỉ trong khoảng một tiếng đồng hồ nhưng ông Lê Anh Dũng đã mời gọi được một số người trong cuộc đến tham dự, bà Nguyễn Thị Mỹ Hường đã lo đầy đủ thức ăn, nước uống cho mọi người,và ông Lê Anh Dũng một lần nữa cám ơn quý niên trưởng, chiến hữu và đồng bào có mặt. Trước khi chia tay, mọi người chụp chung tấm ảnh lưu niệm./.